Trong đoàn vận động viên (VĐV) khuyết tật bộ môn cờ vua Việt Nam, cái tên Nguyễn Thị Mỹ Linh không chỉ được biết đến là VĐV mang “vàng” về cho đoàn mà còn bởi nghị lực vươn lên tuyệt vời của cô gái sinh năm 1995.
Năm 2023 là một dấu mốc đáng nhớ với Mỹ Linh khi cô giành thành tích xuất sắc tại Đại hội Thể thao người khuyết tật toàn quốc với 2 tấm Huy chương vàng (HCV), 1 Huy chương bạc (HCB), 1 Huy chương đồng (HCĐ) mang về cho Đoàn thể thao người khuyết tật TP Hà Nội. Cùng năm, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã trao tặng Mỹ Linh giải thưởng Thanh niên Sống đẹp 2023.
Ít ai biết rằng, Mỹ Linh vốn sinh ra là một đứa trẻ khỏe mạnh. Khi lên 5 tuổi, gia đình phát hiện em bị khối u ở não và phải phẫu thuật, di chứng để lại khiến đôi mắt của Mỹ Linh không còn nhìn thấy ánh sáng. “Bản thân tôi từ hồi bé đã nghe mọi người nói rằng, người khiếm thị thì chẳng làm được gì cả và sẽ là gánh nặng cho gia đình, họ luôn luôn cần người chăm sóc và phục vụ, lúc đó tôi rất buồn. Tuy nhiên, dần dần tôi nhận ra những người khiếm thị cũng có những khả năng riêng, chỉ khác biệt về việc tiếp cận. Và khi trao cho họ cơ hội và sự tiếp cận phù hợp thì họ hoàn toàn có thể cống hiến khả năng, sức lực trong mọi lĩnh vực”, Mỹ Linh cho biết.
Sau đó, Mỹ Linh được gia đình cho đi học tại Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, trường dành cho trẻ em khiếm thị. Với thành tích học tập tốt, Mỹ Linh là một trong số ít học sinh được chuyển lên học tại Trường THPT Thăng Long - nơi Linh được học cùng các bạn mắt sáng.
Mỹ Linh đã giành được một số thành tích học tập nổi bật như HCV cuộc thi Thách thức công nghệ thông tin dành cho thanh thiếu niên khuyết tật toàn cầu, giải nhì cuộc thi viết kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản... và sau này là tấm bằng cử nhân của Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Bước ra ánh sáng trên bàn cờ vua
Cờ vua đến với Mỹ Linh như duyên trời định. Khi anh trai chơi cờ vua cùng bạn tại nhà, cô em gái tò mò ngồi nghe các anh đọc tên quân cờ, nước đi từng quân. Mỹ Linh đã nhờ anh trai hướng dẫn cách chơi và hứng thú với bộ môn này. Khi học đến lớp 8, niềm yêu thích cờ vua của Mỹ Linh được nâng thêm một nấc khi em có điều kiện chơi thường xuyên với các bạn tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Đình Chiểu.
Tuy nhiên, cờ vua là môn thể thao trí tuệ vốn đã khó với người sáng mắt chứ chưa nói tới người khiếm thị, nên việc học cờ vua là cả một quá trình, thách thức rất lớn với Mỹ Linh. “Đối với người lành lặn, họ có thể quan sát bàn cờ bằng mắt thì đối với người khiếm thị phải sử dụng đôi tay và bộ não hình dung các ô bàn cờ và quân cờ để nhớ được vị trí quân đang đứng ở đâu. Sau đó, tính toán và ghi nhớ để đưa ra những nước đi phù hợp”, Mỹ Linh cho biết.
Năm 2014, Mỹ Linh gia nhập đội cờ vua người khuyết tật TP Hà Nội, tham gia giải đấu lớn đầu tiên cấp toàn quốc và cô gái đã mang về 1 HCB, 1 HCĐ. Năm 2017, Mỹ Linh chính thức trở thành VĐV của đội tuyển cờ vua người khuyết tật quốc gia và tham dự ASEAN Para Games 2017, giải đấu quốc tế đầu tiên, Mỹ Linh gặt hái được 1 HCV và 1 HCB.
Đặc biệt, tại Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á năm 2018, Mỹ Linh xuất sắc mang về tấm HCV cá nhân nội dung cờ nhanh, hạng thương tật B2/B3. “Khi giành được HCV, tôi rất hạnh phúc. Đặc biệt, khi khoác lá quốc kỳ trên vai và hát vang Quốc ca ở đấu trường quốc tế, niềm tự hào trong tôi dâng lên rất lớn”, Mỹ Linh tâm sự.
Huấn luyện viên cờ vua Bùi Quang Vũ, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội, chia sẻ: “Tôi đã phát hiện ra tài năng VĐV Nguyễn Thị Mỹ Linh ngay những buổi tập đầu tiên. Mỹ Linh thể hiện sự thông minh và bao quát bàn cờ rất tốt. Chính vì vậy, tôi luôn động viên em phấn đấu trở thành kỳ thủ chuyên nghiệp và giờ em đã gặt hái được nhiều thành công”.
Ngoài giờ luyện tập cờ vua, Mỹ Linh là một người vợ thảo hiền, một người mẹ tần tảo. Anh Lê Huy Hào, chồng của Mỹ Linh, chia sẻ: “Có thể nói, có một cô vợ là VĐV đã mang lại rất nhiều cung bậc cảm xúc cho tôi cùng vợ. Có những đợt thi đấu, Mỹ Linh phải đi tới 15 ngày, hai bố con ở nhà cảm thấy rất hồi hộp như đang đi thi cùng mẹ. Tôi vô cùng tự hào vì có người vợ giỏi chuyên môn và đảm đang việc nhà”. Tuy hạn chế về ánh sáng, nhưng Mỹ Linh luôn nỗ lực đi tìm ánh sáng cho trẻ em khiếm thị. Nữ kỳ thủ tích cực tham gia các hoạt động gây quỹ mổ mắt miễn phí cho trẻ em khiếm thị của một tổ chức xã hội và tham gia dự án Tủ sách chữ nổi - Nhịp cầu thế giới.
Chia sẻ về ước muốn trong tương lai, Mỹ Linh cho biết, cô muốn mở những lớp học cờ vua miễn phí cho trẻ khiếm thị. Khi biết chơi cờ vua, các em sẽ có thêm hoạt động vui chơi những lúc rảnh rỗi. Không chỉ vậy, cờ vua còn giúp trẻ em nâng cao năng lực tư duy, khả năng hình dung và góp phần giúp trẻ em khiếm thị học các môn văn hóa tốt hơn. “Tôi luôn có một niềm tin tưởng sâu sắc rằng, khi mình cố gắng không ngừng để trở nên tốt đẹp, cuộc sống và mọi điều xung quanh cũng sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Hãy luôn tự tin vào bản thân dám nghĩ, dám ước mơ và dám thực hiện những điều trước đây tưởng như mình không thể làm được”, Mỹ Linh chia sẻ.
Anh Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, cho biết: "Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam rất quan tâm và tạo điều kiện cho những điển hình như Mỹ Linh để truyền cảm hứng nghị lực vượt qua khó khăn cho người khuyết tật. Từ đó, họ có thể trở thành người có ích, đóng góp nhiều hơn cho đất nước".
TRẦN THỊ THÚY VÂN