Cách đây 27 năm, máy tính Deep Blue của IBM gây chấn động khi đánh bại nhà vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov, mở ra cách nhìn hoàn toàn khác của thế giới về AI.
Tháng 5/1997, Garry Kasparov ngồi xuống bàn cờ trong một tòa nhà chọc trời ở Manhattan. Chỉ có một điều khác lạ rằng Kasparov - người được coi là kỳ thủ cờ vua giỏi nhất mọi thời đại, không đối đầu với bất kỳ một đại kiện tướng nào.
Đối thủ của "vua cờ" là Deep Blue, siêu máy tính chơi cờ do IBM phát triển. Vào thời điểm ấy, Deep Blue là một trong những siêu máy tính mạnh nhất thế giới, được IBM chế tạo với một mục tiêu rất cụ thể: Đánh bại con người trong một trò chơi trí tuệ.
Kasparov bắt tay với Feng-hsiung Hsu của phía IBM, nhà thiết kế chính của Deep Blue. Ảnh: IBM.
Hơn 25 năm sau, nhân loại đang trải qua một cuộc khủng hoảng đạo đức khác với trí tuệ nhân tạo. Nhờ có ChatGPT, những câu hỏi giả định trước đây về tương lai việc làm, nghệ thuật hay thông tin sai lệch giờ đây đã trở thành nỗi lo lớn.
Thực tế là từ những năm 1990, con người đã trải câu chuyện tương tự, với những câu hỏi và nỗi sợ hãi giống nhau cùng những cuộc trò chuyện về cùng chủ đề liệu đã đến lúc máy tính thống trị tất cả.
Trận đấu vĩ đại
Cuộc đối đầu lớn nhất giữa con người và máy móc đã xảy ra và diễn biến đến đỉnh điểm chỉ bằng một nước đi trong vài ván cờ.
Chứng kiến Kasparov nhìn chằm chằm vào bàn cờ với hai quân đen trắng, nhân loại lần đầu tiên có cái nhìn thoáng qua về cảm giác máy tính bắt đầu hành động như con người.
"Rất hiếm khi cơ thể và trí óc con người có thể cạnh tranh sòng phẳng với máy tính hoặc robot. Đó là phước lành và cũng là lời nguyền của tôi, theo đúng nghĩa đen, khi trở thành người nổi tiếng trong cuộc cạnh tranh giữa con người và máy móc”, Kasparov nói tại một buổi TED Talk năm 2017.
Chứng kiến Kasparov nhìn chằm chằm vào bàn cờ với hai quân đen trắng, nhân loại lần đầu tiên có cái nhìn thoáng qua về cảm giác máy tính bắt đầu hành động như con người. Ảnh: Shutterstock.
Garry Kasparov được coi là một trong những kỳ thủ vĩ đại nhất trong lịch sử cờ vua. Năm 1985, ở tuổi 22, Kasparov trở thành nhà vô địch thế giới trẻ nhất trong lịch sử và giữ ngôi vị này trong vòng 15 năm, lâu hơn vua cờ Magnus Carlsen ngày nay.
Vào những năm 1990, không chỉ nổi tiếng trong giới cờ vua, Kasparov còn là một hiện tượng văn hóa đại chúng.
Cựu vua cờ nổi tiếng đến mức góp mặt trong một quảng cáo của Pepsi. Ở đỉnh cao sự nghiệp, cái tên Kasparov được ví như “Einstein”, đánh dấu đỉnh cao của trí thông minh con người.
Một thập kỷ trước đó, ở tuổi 22, Kasparov đã đánh bại đại kiện tướng Anatoly Karpov. Chiến tích này giúp cựu vua cờ người Nga trở thành nhà vô địch thế giới trẻ nhất lịch sử, một kỷ lục mà cho đến nay vẫn chưa bị phá vỡ.
Garry Kasparov được coi là một trong những kỳ thủ vĩ đại nhất trong lịch sử cờ vua. Ảnh: Reuters.
Trong khi đó, IBM lại không phải là người dẫn đầu cuộc chơi của mình. Trong suốt những năm 1980, IBM là một trong những công ty hùng mạnh nhất trên thế giới, khi sản xuất đến 80% máy tính tại Mỹ.
Tuy nhiên, khi thế kỷ 20 sắp kết thúc, IBM dần đánh mất sự thống trị vào tay Microsoft và các đối thủ cạnh tranh khác. IBM cần chứng tỏ mình vẫn là người dẫn đầu, và việc chế tạo một chiếc máy tính thông minh nhất thế giới là chiêu bài không thể hoàn hảo hơn.
Năm 1985, Deep Blue ra đời khi một nhóm nghiên cứu tại Đại học Carnegie Mellon phát triển một máy tính chơi cờ có tên Deep Thought, theo tên một cỗ máy trong cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng The Hitchhiker’s Guide to the Galaxy của Douglas Adams.
IBM sau đó thuê nhóm nghiên cứu này để tiếp tục phát triển máy tính chơi cờ.
“Đối với IBM, tôi nghĩ đó là một dấu hiệu cho thấy chúng tôi có thể vượt qua những rào cản. Deep Blue đã thay đổi suy nghĩ về cách thế giới phản ứng với IBM. Đối với nhiều người, đó là trải nghiệm đầu tiên về việc máy tính có thể làm được điều mà họ nghĩ chỉ có con người mới có thể thực hiện”, Murray Campbell, nhà nghiên cứu AI tại IBM và cũng là một trong những kiến trúc sư đằng sau Deep Blue cho biết.
Deep Thought lần đầu thử sức với Kasparov vào năm 1989, và thua liền 2 ván.
Nhóm IBM tiếp tục cải tiến siêu máy tính, vào năm 1993 được đổi tên thành Deep Blue, kết hợp giữa Deep Thought và Big Blue, biệt danh của IBM.
Vào những năm 1990, cỗ máy khổng lồ Deep Blue, nặng gần 1,5 tấn, gần như là một kỳ quan công nghệ có một không hai. Ảnh: Picasa.
Trận đấu đầu tiên giữa Kasparov và Deep Blue, gồm 6 ván, bắt đầu vào ngày 10/2/1996. Kết quả chung cuộc là phe con người, với Kasparov làm đại diện, đánh bại Deep Blue một cách suýt soát. Thậm chí, Deep Blue còn thắng ván đầu tiên và giành thêm hai trận hòa.
IBM muốn nhiều hơn nữa. Trong khi đó, Kasparov cũng rất hào hứng với việc đóng góp cho khoa học. Cả hai đồng ý một trận tái đấu cũng kéo dài 6 ván năm 1997.
Người thua cuộc trong trận đấu sẽ mang về nhà 400.000 USD, trong khi người chiến thắng sẽ kiếm được 700.000 USD. Sự khác biệt chỉ là 300.000 USD, nhưng IBM còn kiếm nhiều hơn thế. Trong những tuần đầu sau trận đấu năm 1996, cổ phiếu của IBM đã tăng gần 20%.
Là một siêu máy tính lúc bấy giờ, Deep Blue có khả năng tính toán 100 triệu thế cờ khác nhau mỗi giây.
Sau thất bại vào năm 1996, IBM tiếp tục nâng cấp sức mạnh cho cỗ máy này với hơn 500 bộ xử lý và 480 "quân cờ" được thiết kế đặc biệt chạy song song. Siêu máy tính này có thể tìm kiếm qua hàng trăm triệu thế cờ chỉ trong một giây để tìm ra nước đi tốt nhất.
Vào thời điểm đó, không có hệ thống nào ngoài trí óc con người có thể tiếp cận khả năng chơi cờ của Deep Blue. Nếu Deep Blue có thể đánh bại Kasparov, đó sẽ là lúc máy tính trở thành người chơi cờ giỏi nhất hành tinh.
Chiến lược chống máy tính
Trước khi trận tái đấu diễn ra, Kasparov cùng toàn đội ngũ của mình đã đến New York từ tháng 5. Tuy nhiên, đại kiện tướng (GM) này gặp bất lợi lớn vì không hề biết về bất kỳ ván đầu nào trước đây của Deep Blue.
Điều đó rất đáng sợ đối với Kasparov. Bất kỳ người chơi cờ vua hàng đầu nào cũng sẽ chuẩn bị cho đối thủ của họ, nhưng Kasparov thì hoàn toàn không hề có thông tin”, Friedel kể lại.
Mặc dù vậy, cựu vua cờ vẫn được đánh giá cao hơn. Trận tái đấu diễn ra ở tầng 35 của tòa nhà Equitable, gã khổng lồ của cao ốc những năm 1915 là nguyên nhân New York cho ra đời bộ luật quy hoạch đầu tiên.
Trong ván đấu, các thành viên của nhóm IBM luân phiên nhập các nước đi của Kasparov và di chuyển các quân cờ thay cho Deep Blue. Ảnh: AP.
Trong ván đấu, các thành viên của nhóm IBM luân phiên nhập các nước đi của Kasparov và di chuyển các quân cờ thay cho Deep Blue.
Kasparov cầm quân trắng, đồng nghĩa với quyền đi trước ở ván một. GM mở đầu với việc di chuyển quân mã của mình, còn Deep Blue đáp trả bằng quân hậu. Ở những nước đi tiếp theo, cả hai phát triển thành thế khai cuộc Reti.
Đối với một trận đấu bất thường như vậy, mọi thứ lại có một khởi đầu bình thường. Deep Blue đã được học rất nhiều ván cờ trong lịch sử, vì thế nó rất quen thuộc với các quy tắc chơi cờ vua.
Điều đó có nghĩa là cỗ máy đã được chuẩn bị cho phong cách tấn công thường thấy của Kasparov. Nhưng đây cũng là lúc GM áp dụng chiến lược “chống máy tính”.
"Chiến lược là nơi những người chơi vĩ đại vượt trội, nhưng chưa từng có máy tính nào thể hiện khả năng lập kế hoạch trước cho giai đoạn sau của bàn cờ. Vì thế, kỳ thủ cần phải chơi thận trọng. Bạn không thể tấn công ngay lập tức vì máy tính sẽ có thể tính toán được", Kenneth Regan, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Buffalo nổi tiếng về nghiên cứu cờ vua cho biết.
Đó chính xác là những gì Kasparov đã làm. Cựu vua cờ liên tục giữ rồi nhử siêu máy tính cho đến khi sẵn sàng tấn công. Tuy nhiên, đó là một chiến lược mạo hiểm vì phong cách chơi này hoàn toàn xa lạ với Kasparov.
Kasparov chấp nhận mạo hiểm chơi theo kiểu thận trọng để đánh bại siêu máy tính. Ảnh: AP.
Mặc dù vậy, sự mạo hiểm của Kasparov khi khiến máy tính phải chịu thua ở nước 45. Mọi thứ đã có một khởi đầu tuyệt vời cho nhà vô địch của nhân loại.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi ngay trong ván hai. Sau khi thua ván đầu, nhóm nghiên cứu của IBM đã làm việc xuyên để sửa lỗi và điều chỉnh đoạn mã của Deep Blue.
Sự nỗ lực này chứng minh hiệu quả. Kasparov vẫn trung thành với chiến thuật "chống máy tính" của mình, nhưng Deep Blue lần này không chơi như một chiếc máy tính. Nó đã được lập trình để chơi như một kiện tướng.
Ở nước đi 36, Kasparov đã giăng một cái bẫy khi như Deep Blue bắt hai con tốt, từ đó tạo cơ hội cho mình phản công mạnh mẽ. Mọi người đều nghĩ AI này sẽ di chuyển quân hậu và tấn công quân tốt. Sau 15 phút xử lý, siêu máy tính quyết định gây bất ngờ tất cả khi dùng một con tốt.
Deep Blue không chỉ ngăn chặn cuộc tấn công của Kasparov mà còn thực hiện một nước đi làm tê liệt chiến thuật của cựu vô địch thế giới, từ đó tạo nên một chiến thắng phức tạp gồm nhiều bước.
Nếu chơi cờ giỏi cần trí thông minh, thì nước đi 36 đã chứng minh rằng Deep Blue có điều đó. Mãi cho đến sau này, Kasparov vẫn không chấp nhận điều đó.
Chung cuộc, cựu vua cờ bại trận trước Deep Blue sau 6 ván. Kasparov sau đó cáo buộc IBM đã nhờ đến sự hỗ trợ của các GM trong trận đấu. IBM phủ nhận và từ chối yêu cầu tái đấu từ cựu vua cờ, đồng thời cho giải nghệ Deep Blue.
Khoảnh khắc Kasparov bối rối trước nước đi quá hay của máy tính Deep Blue. Ảnh. Shutterstock.
Chiến thắng vang dội của Deep Blue cũng đã thay đổi hoàn toàn cách chơi cờ vua chuyên nghiệp. Việc chuẩn bị trước hàng chục nước đi với sự trợ giúp của siêu máy tính, có thể lên đến hơn 20 nước ở một vài biến nhất định, đã trở thành thủ tục của các GM trước các giải đấu.
Tất nhiên, không phải toàn bộ nước đi có thể xảy ra, mà thu hẹp lại trong các khai cuộc mạnh nhất hoặc đối thủ có xu hướng sử dụng, như 1. d4 hay 1. e4.
Trong một ván đấu, GM nào ghi nhớ kỹ hơn hoặc chuẩn bị đúng các nước thực sự xảy ra sẽ có lợi thế lớn. Bởi trong phạm vi các nước đó, đối thủ giống như đang đấu với một siêu máy tính và khả năng cao là sẽ đi đến thế cờ bất lợi trong trung cuộc và tàn cuộc.
Theo https://zingnews.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét