Làm thế nào Nguyễn Thiên Ngân, nữ sinh đến từ Thái Nguyên trở thành Kiện tướng quốc tế, liên tục gặt hái thành công khiến cả đất nước tự hào? Đó là câu chuyện đầy cảm hứng về niềm đam mê, sự hy sinh và khát khao chinh phục.
Với Nguyễn Thiên Ngân, cờ vua có thể là định mệnh. Khi còn nhỏ, trong số rất nhiều các môn học năng khiếu để lựa chọn, cô đã chọn cờ vua. Dĩ nhiên không hề có sự tình cờ nào ở đây.
“Em chọn vì ít người đăng ký”, Thiên Ngân chia sẻ với phóng viên báo Tiền Phong. Garry Kasparov, Vua cờ của mọi thời đại, từng nói rằng “là một kỳ thủ, bạn không thể thành công nếu đi theo lối mòn, biến mình thành món hàng thông dụng và dễ đoán”. Ngay từ đầu cô đã tìm kiếm sự khác biệt, chọn cho mình lối đi riêng.
Nguyễn Thiên Ngân, học sinh lớp 12A4 Trường THPT Chu Văn An (Thái Nguyên) là niềm tự hào của tuổi trẻ Thái Nguyên |
Đó chắc chắn không phải con đường dễ dàng. Lý do ít người chọn cờ vua là phong trào cờ vua ở Thái Nguyên chưa phát triển. Dần bị hấp dẫn bởi bàn cờ và bộc lộ năng khiếu vượt trội, nhưng rất khó để Thiên Ngân tìm thầy cũng như môi trường.
Em Nguyễn Thiên Ngân hiện là học sinh lớp 12A4 Trường THPT Chu Văn An (Thái Nguyên). Năm 2022, Ngân tham gia nhiều cuộc thi và giành được nhiều huy chương. Trong đó có 1 Huy chương Vàng Giải Vô địch Cờ vua trẻ châu Á; đạt danh hiệu Kiện tướng quốc tế nữ (WIM); 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc Giải Vô địch Cờ vua trẻ Đông Á lần thứ VI; 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Đồng Giải Vô địch Cờ vua đồng đội quốc gia... Ngân là một trong 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022.
Nhằm thỏa mãn đam mê và phát triển bản thân, cô bé sinh năm 2005 phải tự mày mò học, đánh online, đồng thời tìm tòi những bài tập chiến lược trên mạng và tự giải. Rồi mỗi cuối tuần, Thiên Ngân cùng bố rong ruổi trên xe máy từ Thái Nguyên xuống Hà Nội để luyện cờ và cọ xát. Lớn thêm một chút, cô tự bắt xe khách rồi đi nhờ xe đến nơi tập luyện.
Ngạc nhiên là Thiên Ngân không bao giờ cảm thấy mệt mỏi hay chán nản. “Em luôn cảm thấy vui với mỗi chuyến đi, với những nước cờ mới, cách triển khai lực lượng và sự biến hóa kỳ diệu của cờ vua”, cô nói. Bàn cờ với hai màu đen trắng trông thật nhàm chán với nhiều người, nhưng là cả thế giới với cô. 64 ô cờ và 16 quân tạo nên những cuộc phiêu lưu không giới hạn của trí tưởng tượng.
Thật ra cũng có những lúc Thiên Ngân cảm thấy thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa. Họ có nhiều thời gian để vui chơi, trong khi cô đóng trang sách lại mở bàn cờ, cố gắng tận dụng tối đa quỹ thời gian để cân bằng giữa việc học và tập luyện. Trước mỗi giải đấu, Thiên Ngân sẽ tập luyện với cường độ cao. Đến khi kết thúc, lập tức học bù để khỏa lấp khối lượng kiến thức bị hao hụt.
“Đôi khi em cũng cảm thấy ghen tị với các bạn, nhưng với cờ vua, em có những người bạn mới cùng các trải nghiệm mà người khác không có. Sau cùng, với các thành quả đạt được, em cảm thấy sự hy sinh là xứng đáng”, cô gái Vô địch giải Cờ vua trẻ châu Á, vượt mốc Elo 2.000 để trở thành Kiện tướng quốc tế nữ (WIM) trong năm 2022, chia sẻ.
Mục tiêu trở thành nữ Đại kiện tướng quốc tế
Huyền thoại làng cờ Rudolf Spielman không sai khi nói, “chúng ta không thể cưỡng lại cám dỗ của sự hy sinh, vì niềm đam mê hy sinh là một phần bản chất của người chơi cờ”.
Theo Thiên Ngân, cờ vua chính là cuộc sống. “Đi đâu, nhìn bất cứ điều gì em cũng liên tưởng đến cờ”, cô cho biết, “Mỗi khi có một vấn đề xảy ra, em sẽ đặt ra vô vàn giả thiết cho ra những khác nhau”. Chúng ta biết rằng cờ vua là nghệ thuật phân tích. Giữa ma trận các nước đi, làm thế nào có thể thực hiện nước đi đúng trong hàng ngàn, hàng triệu khả năng là điều cần tính toán.
Là Kiện tướng quốc tế, đương nhiên kỹ năng tính nước của Thiên Ngân vượt xa người thường. Nhưng cô không muốn dừng lại ở đó. Chia sẻ với phóng viên báo Tiền Phong, nữ sinh lớp 12 nằm trong danh sách đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022 cho biết, mục tiêu dài hạn của cô là trở thành nữ Đại kiện tướng quốc tế, danh hiệu cao nhất trong cờ vua. Cho đến nay mới chỉ có 40 nữ Đại kiện tướng quốc tế. Không có người Việt nào trong số đó.
Dù vậy, không quan trọng bạn đến từ đâu, quan trọng là bạn có dám ước mơ để đi xa đến đâu. “Khi bắt đầu chơi cờ và tham gia những cuộc thi đầu tiên, nhiều người nói em đừng mơ mộng quá. Rằng, ở tỉnh lẻ như Thái Nguyên làm sao có thể đọ được những nơi khác”, Thiên Ngân nhớ lại. Sự hoài nghi đến từ việc chưa từng có kỳ thủ nổi tiếng nào sinh ra ở mảnh đất này. Và Thái Nguyên chỉ được biết đến với những đồi chè.
Chứng minh họ đã sai trở thành động lực của Thiên Ngân. Từ chức Vô địch U12 Đông Nam Á đến huy chương Vàng Giải trẻ châu Á, Thiên Ngân cho tất cả thấy, một nơi cờ vua không phát triển như Thái Nguyên vẫn có thể chiếm lĩnh đỉnh cao quốc tế. Bây giờ, hành trình chinh phục của cô gái 18 tuổi lại tiếp tục.
Theo Báo Tiền Phong