"Tre già nhưng măng chưa mọc" có thể thành thực trạng của cờ vua Việt Nam trong vài năm tới, nếu tình hình hiện tại không được cải thiện.
Theo bảng thứ tự Liên đoàn Cờ vua Quốc tế (FIDE) tháng 3/2022, Việt Nam rơi xuống vị trí 58, ngay sau Philippines và Indonesia. Đây là vị trí thấp nhất của cờ vua Việt Nam, từ khi FIDE bắt đầu xếp thứ tự các liên đoàn thành viên tháng 2/2015. Việt Nam cũng lần đầu mất vị trí số một Đông Nam Á theo bảng này, khi rơi xuống thứ ba khu vực.
Quang Liêm không còn xuất hiện trong top 100 của Liên đoàn cờ vua thế giới FIDE, do anh không chơi cờ tiêu chuẩn hai năm qua. Ảnh: GCT
Thứ tự các quốc gia trên FIDE được xếp theo Elo trung bình của 10 kỳ thủ hàng đầu, với Việt Nam là 2.418 Elo. Việt Nam rơi 17 bậc trong 12 tháng, phần nhiều vì các kỳ thủ mạnh bị gạch tên khỏi danh sách do không thi đấu cờ tiêu chuẩn trong hai năm qua. Lê Quang Liêm (2.709) bận công việc huấn luyện cờ vua trường Webster, Mỹ, Nguyễn Ngọc Trường Sơn (2.641) không dự giải quốc gia - đấu trường trong nước duy nhất tính Elo, còn Nguyễn Anh Khôi (2.520) tập trung học đại học. Do giải cờ vua HDBank cũng bị hoãn vì Covid-19 hai năm qua, các kỳ thủ cũng không có cơ hội cải thiện Elo từ những đối thủ quốc tế.
Thứ bậc FIDE không phải thước đo quan trọng để đánh giá nền cờ vua của một đất nước, khi đó chỉ là những con số trên giấy. Tại Olympiad cờ vua gần nhất tại Batumi, Georgia năm 2018, Việt Nam vẫn đứng thứ 10 toàn đoàn, trong đó có vị trí thứ 7 với nội dung nam. Trường Sơn cũng gây ấn tượng khi lần thứ hai đoạt HC vàng cá nhân bàn hai. Olympiad cờ vua được coi là Olympic của làng cờ, và cũng là giải cờ vua quy mô lớn nhất thế giới.
Nhưng cũng không thể phủ nhận cờ vua Việt Nam đang phải đối mặt nhiều khó khăn. SEA Games 2019 là lần đầu tiên cờ vua Việt Nam không thể đem về HC vàng, sau năm lần môn thi xuất hiện ở đại hội. Trường Sơn và Anh Khôi chỉ về sau Yeoh Li Tian (Malaysia) ở cờ nhanh nam, còn Quang Liêm và Lê Tuấn Minh cũng chỉ đoạt HC bạc và đồng ở cờ chớp. HC vàng hai nội dung cờ nhanh và cờ chớp nữ cũng thuộc về Singapore và Indonesia. Xét về Elo, thất bại của Việt Nam tại SEA Games là bất ngờ lớn, khi Quang Liêm và Trường Sơn là hai kỳ thủ duy nhất ở Đông Nam Á có Elo cờ tiêu chuẩn trên 2.600.
Cờ vua Việt Nam ở đỉnh cao nhiều năm qua chỉ có Quang Liêm thường xuyên được dự các siêu giải, và anh cũng là niềm tự hào của Đông Nam Á. Ngoài Quang Liêm, hiếm có kỳ thủ nào được cọ xát thường xuyên với các kỳ thủ top đầu thế giới. Kỳ thủ số một Việt Nam đã dự năm chặng của hệ giống siêu giải cờ nhanh online Champions Chess Tour, do Vua cờ Magnus Carlsen khởi xướng. Thành tích tốt nhất của anh là á quân Chessable Masters 2021. Ngoài ra, không kỳ thủ Đông Nam Á nào khác được mời dự giải.
Ở tuổi 31, Quang Liêm vẫn còn nhiều thời gian nữa cho đến độ tuổi giải nghệ thường thấy trong cờ vua. Việc kỳ thủ này nhận làm Giám đốc Học viện Cờ vua SPICE, kiêm HLV trường Webster, khiến anh không còn thời gian dự nhiều giải lớn ở bên ngoài Mỹ. Câu hỏi đặt ra là ai đủ sức thay thế Quang Liêm ở những giải lớn tiếp theo?
Anh Khôi từng là niềm kỳ vọng lớn nhất với cờ vua Việt Nam sau Trường Sơn và Quang Liêm. Tuy nhiên, kỳ thủ đã vô địch U12 và U14 thế giới đang có dấu hiệu chững lại trong cờ vua, và dành nhiều thời gian hơn cho học tập. Trần Tuấn Minh (2.533) vừa vô địch quốc gia lần thứ tư, nhưng mục tiêu quan trọng hơn với kỳ thủ 25 tuổi này là cải thiện Elo lên trên 2.600, để có cơ hội dự các giải mạnh ở quốc tế. Kỳ thủ Lê Tuấn Minh (2.514) cũng gây ấn tượng ở những giải cờ chớp trực tuyến, nhưng anh chưa thể hiện được sức mạnh tương tự khi đấu cờ bàn.
Nguyễn Anh Khôi tập trung hơn vào việc học đại học, trong khi những kỳ thủ trẻ hơn anh chưa bộc lộ được tiềm năng tương xứng. Ảnh: Lâm Minh Châu
Cờ vua trẻ Việt Nam cũng chưa cho thấy dấu hiệu khởi sắc khi thi đấu thế giới. Đến nay có tám kỳ thủ Việt Nam vô địch trẻ thế giới, gồm: Đào Thiên Hải (nội dung U16, năm 1993), Nguyễn Thị Dung (U12 nữ, 1994), Hoàng Thanh Trang (U20 nữ, 1998), Nguyễn Ngọc Trường Sơn (U10, 2000), Lê Quang Liêm (U14, 2005), Trần Minh Thắng (U8, 2008), Nguyễn Anh Khôi (U10, 2012 và U12, 2014) và Nguyễn Lê Cẩm Hiền (U8 nữ, 2015). Lần gần nhất Việt Nam có kỳ thủ vô địch trẻ thế giới đã cách đây 7 năm. Ở chuỗi giải trẻ online thế giới 2021, Nguyễn Hồng Nhung và Bạch Ngọc Thuỳ Dương lần lượt về nhì U16 và U18 nữ. Hay Đầu Khương Duy đoạt HC đồng U8 thế giới 2019 là điểm sáng hiếm hoi.
Giải cờ vua quốc gia vừa kết thúc ở Bắc Giang hôm 5/3 cũng cho thấy các kỳ thủ trẻ vẫn chưa cạnh tranh được với đàn anh cho suất trên tuyển. Ở tuổi 14, Từ Hoàng Thông, Đào Thiên Hải và Anh Khôi đều đã vô địch cờ tiêu chuẩn, còn Quang Liêm cũng đoạt HC vàng cờ nhanh. Bên nữ, Hoàng Thị Bảo Trâm hay Phạm Bích Ngọc cũng vô địch quốc gia ở độ tuổi này ở cờ nhanh chớp. Nhưng thành tích tốt nhất của một kỳ thủ U14 tại giải năm nay là vị trí thứ bảy cờ tiêu chuẩn nữ của Nguyễn Hà Khánh Linh. Trần Đăng Minh Quang bất ngờ vô địch cờ chớp ở tuổi 17, nhưng thành tích như vậy vẫn còn hiếm với kỳ thủ trẻ.
Cờ vua Việt Nam đang đứng trước ba giải đấu quan trọng trong năm 2022, là SEA Games, Asiad và Olympiad. Môn cờ vua ở SEA Games gồm 10 nội dung, chia đều 5 nam, 5 nữ, diễn ra ở Quảng Ninh từ 10/5 đến 21/5. Thành phần tham dự của chủ nhà ở nội dung nhanh và chớp nhiều khả năng không khác so với SEA Games 2019. Quang Liêm, Trường Sơn, Lê Tuấn Minh và Trần Tuấn Minh vẫn sẽ là nòng cốt của đội. Do Quang Liêm không thi cờ tiêu chuẩn, Trường Sơn có thể sẽ phải thi hai nội dung. Ở nội dung nữ, suất dự SEA Games có thể vẫn thuộc về các kỳ thủ quen thuộc như Phạm Lê Thảo Nguyên, Nguyễn Thị Mai Hưng, Võ Thị Kim Phụng và Hoàng Thị Bảo Trâm. Quang Liêm và Trường Sơn từng dự SEA Games 2005 ở tuổi 14 và 15, nhưng các kỳ thủ trẻ như vậy hiện tại chưa đủ sức chơi cho đội tuyển.
Tại Asiad tháng 9, cờ vua chỉ có 4 nội dung gồm cờ nhanh cá nhân nam, nữ và cờ tiêu chuẩn đồng đội nam, nữ. Ở Olympiad tháng 7 và 8, Việt Nam sẽ phải nỗ lực bảo vệ thành tích top 10 toàn đoàn với dàn kỳ thủ không khác nhiều so với 4 năm trước.
Việt Nam có thể làm tốt các mục tiêu năm 2022 kể trên, nhưng vấn đề nằm ở dài hạn. Nếu không tính đến Covid-19, Việt Nam cũng chỉ diễn ra ba giải thường xuyên tính Elo, là HDBank, giải quốc gia và giải Hà Nội mở rộng. Do không có nhiều giải tính Elo, Elo của các kỳ thủ Việt Nam chưa được đánh giá đúng thực lực, đặc biệt là với các kỳ thủ trẻ. Cũng vì thế mà các kỳ thủ trẻ Việt Nam mất cơ hội được mời dự các giải quốc tế. Nếu muốn cọ xát, họ sẽ phải bỏ tiền túi ra nước ngoài thi đấu, và không phải kỳ thủ nào cũng có điều kiện làm như vậy. Bởi thu nhập của một kỳ thủ chẳng hạn ở top 100 thế giới cũng không so được với các môn thể thao khác.
Cờ vua Việt Nam có thể nhất toàn đoàn ở SEA Games 31, giành huy chươngAsiad hay đứng thứ bậc cao ở Olympiad. Nhưng ngay cả khi hoàn thành những mục tiêu trên, tương lai của những kỳ thủ trẻ nước nhà vẫn còn nhiều âu lo.