Hôm 15/6 tại tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), Lê Quang Liêm thắng Sethuraman ở ván cuối và lần đầu vô địch châu Á. Đây là chức vô địch đầu tiên của một kỳ thủ nam của Việt Nam tại giải. Đến hôm 28/6 tại thành phố St Louis (Mỹ), Quang Liêm hòa Samuel Shankland và vô địch giải cờ Mùa Hạ. Giải đấu tiếp theo của anh là World Open, diễn ra tại Philedelphia từ 2/7 đến 7/7.
Kỳ thủ số một Việt Nam chia sẻ sau khi liên tiếp vô địch giải châu Á và Summer Chess Classic trong tháng 6/2019.
- Hai chức vô địch trong tháng 6 có ý nghĩa như thế nào với Quang Liêm?
- Chức vô địch giải cờ Mùa Hạ (Summer Classic) lần này rất quan trọng. Từ trước đến nay tôi ít được tham dự giải mời với các Siêu đại kiện tướng. Tôi từng vô địch SPICE Cup 2011 (Elo trung bình 2.655), á quân Dortmund 2010 và 2011 (Elo trung bình 2.730), á quân Capablanca Memorial 2011 (Elo trung bình 2.711), á quân SPICE Cup 2012 (Elo trung bình 2.682), á quân Đam Châu 2017 và 2018 (Elo trung bình lần lượt là 2.719 và 2.727). Có thể thấy với Elo trung bình 2.694, giải cờ Mùa Hạ cũng khá mạnh. Thi đấu tốt tại giải này, tôi hy vọng tạo được tiếng vang với các nhà tổ chức, cũng như tích luỹ thêm Elo để nhận được lời mời đến các siêu giải danh tiếng hơn.
Quang Liêm vô địch giải cờ Mùa Hạ với sáu điểm qua 10 ván.
Còn chức vô địch châu Á là một trong những thành tích mà tôi hài lòng nhất. Tôi đã bảy lần thi đấu giải châu Á từ năm 2009, kết quả nhìn chung khá thành công nhưng chưa có duyên với chức vô địch (ba lần top 5 giành suất Cup Thế giới, HC bạc 2016, và HC đồng 2018). Trước đây, cờ vua Việt Nam chưa bao giờ đạt danh hiệu cao nhất ở tầm châu lục, nên danh hiệu này là một trong những mục tiêu cá nhân lớn của tôi.
- Quang Liêm chỉ đạt hai điểm qua năm ván ở lượt đi giải cờ Mùa Hạ, nhưng bùng nổ với bốn điểm ở lượt về. Đâu là bí quyết giúp anh ngược dòng tốt như vậy?
- Ở lượt đi, đặc biệt là ba ván đầu tiên, tôi chơi chưa tốt một phần vì chưa quen múi giờ. Sau khi kết thúc giải châu Á, tôi từ Trung Quốc bay về Mỹ tối 16/6. Đến trưa 18/6 tôi đã bắt đầu giải cờ Mùa Hạ. Chênh lệch 13 tiếng khiến tôi mệt mỏi nên không thể tập trung tối đa. Ở lượt về, tôi chuẩn bị tốt hơn cả về chuyên môn và sức khoẻ nên thi đấu tốt.
- Thất bại duy nhất của Quang Liêm tại giải cờ Mùa Hạ diễn ra trước Jeffery Xiong ở lượt đi. Kỳ thủ trẻ này cũng từng đánh bại Quang Liêm trước đó. Tâm lý của anh như thế nào khi hạ đối thủ kỵ giơ ở lượt về?
- Tôi thích ván thắng Xiong ở vòng bảy và thắng Gawain Jones ở vòng chín. Tôi bắt buộc phải thắng cả hai ván này mới có cơ hội vô địch. Ở hai ván, tôi đều chơi tốt và không có sai sót, cũng như tận dụng được thế mạnh của bản thân dù hai đối thủ không mắc sai lầm nào quá lớn.
Tôi mới thua Xiong hai lần ở cờ tiêu chuẩn (ở Spring Classic hồi tháng ba và ở vòng hai Summer Classic). Cả hai lần tôi phải chơi quân đen và mắc lỗi ở khai cuộc. Tôi không nghĩ mình kỵ giơ với Xiong, chỉ do không chuẩn bị tốt trong hai ván này. Tất nhiên Xiong còn trẻ rất tiềm năng, giỏi về chiến lược. Nhưng tôi đánh giá bạn ấy vẫn có điểm yếu có thể khai thác được, cụ thể là chiến thuật và sự hiểu biết chưa hoàn chỉnh ở một số dạng cờ nhất định. Vì vậy tôi đã điều chỉnh lựa chọn khai cuộc ở lượt về ván bảy, và đạt kết quả như ý.
- Ở ván cuối giải châu Á, Quang Liêm cầm quân trắng gặp Sethuraman khi đối thủ chỉ cần hòa là vô địch. Đen không mắc sai lầm nào quá lớn. Nhưng bằng cách nào đó, Trắng vẫn chiếm ưu thế về thế trận?
- Thực ra tôi bắt đầu ván này với tâm trạng khá thoải mái. Tôi chỉ phải tập trung chơi tốt, còn đối thủ mới bị áp lực tâm lý vì đứng trước cơ hội đăng quang. Sethuraman đã tiếp cận sai lầm, khi chọn lối chơi chắc chắn nhưng bị động. Tôi nghĩ một kỳ thủ khi đã ngồi vào bàn cờ, chỉ nên tập trung giải quyết những vấn đề chuyên môn. Họ phải coi mỗi ván cờ là riêng biệt, mới đạt được phong độ cao nhất. Nhưng, điều này không dễ thực hiện vì người ta không thể đột nhiên "quên" rằng mình đang dẫn đầu giải và chỉ cần hoà.
Sau khi đổi hậu và đưa được tượng xuống f6, tôi tự tin có thể thắng ván này, vì tôi hiểu diễn biến tâm lý của đối phương sẽ dẫn đến thêm sai lầm trong thế cờ như vậy. Nếu Sethuraman có thế trận chủ động hơn, thậm chí là đôi công phức tạp cho cả hai bên, có thể kết quả đã khác. Việc phải liên tục phòng thủ trong thế cờ yếu hơn mà không có đường phản công là rất khó khăn.
- Cũng ở giải cờ châu Á, Quang Liêm cầm trắng hạ Alireza Firouzja - thần đồng cờ vua thế giới. Một lần nữa có cảm giác Quang Liêm thắng nhẹ nhàng khi Đen không mắc sai lầm lớn nào. Đâu là mấu chốt của ván này?
- Mấu chốt có lẽ đến từ sự đánh giá chính xác đối thủ. Tôi nghĩ Firouzja giỏi về tính toán chiến thuật, nhưng hiểu biết thế trận còn chưa hoàn chỉnh. Từ nhận xét đó, tôi chọn khai cuộc hợp lý để đạt thế trận phù hợp với lối chơi của tôi hơn Firouzja.
Trắng có ưu thế nhỏ, trong khi Đen không có cơ hội phức tạp hoá thế cờ. Sau nước 15.f4, thế cờ của đen khá khó khăn. Để chống lại đợt tấn công từ trung tâm và cánh hậu, Firouzja buộc phải làm suy yếu cánh vua với nước 15...f6. Tôi khai thác tốt những điểm yếu này nên đạt thắng lợi nhanh chóng.
- Trong quá trình nghiên cứu những biến khai cuộc mới, Quang Liêm học hỏi thêm từ ai?
- Tôi không có huấn luyện viên chuyên về khai cuộc nào cả, mà chủ yếu tự học qua sách và máy tính. Tôi và một số bạn bè thường tập cờ chung, hay trao đổi các ý tưởng khai cuộc thú vị.
Quang Liêm (phải) trò chuyện cùng kỳ thủ người Anh David Howell.
- Quang Liêm đang tạo ra khác biệt so với truyền thống của kỳ thủ Việt Nam (gần như chỉ sử dụng khai cuộc 1.d4). Ngoài những nghiên cứu khai cuộc mới, bạn có đang theo đuổi triết lý cờ vua nào khác?
- Tôi thấy chơi 1.e4 có nhiều điểm thú vị và khác biệt với 1.d4, nên chắc chắn tiếp tục thử nghiệm và hy vọng hiểu biết nhiều hơn về những thế trận này.
Triết lý cờ vua của tôi là thành công phụ thuộc 99% vào nỗ lực của bản thân. Để có kết quả tốt, tôi cần làm việc hiệu quả liên tục trước, trong và sau mỗi giải đấu. Tôi thử nghiệm nhiều khai cuộc mới vì muốn bước ra khỏi "vùng an toàn" để buộc bản thân phải học hỏi và tiến bộ. Tôi biết nhiều kỳ thủ khi đạt đến một trình độ nào đó có xu hướng tự hài lòng quá sớm. Họ thường giữ nguyên một kiểu khai cuộc hay lối chơi mà họ cảm thấy an toàn nhất. Điều này tuy có thể mang lại thành công trong ngắn hạn, nhưng khi một kỳ thủ ngừng học hỏi thì cũng là lúc họ ngừng tiến bộ và đánh mất niềm vui khi chơi cờ. Tôi rất tâm đắc một câu nói của Albert Einstein: "A person who never made a mistake never tried anything new", tạm dịch: "Một người không bao giờ phạm sai lầm không bao giờ thử điều gì mới mẻ".
Theo VNE
0 nhận xét:
Đăng nhận xét