Nhà cựu vô địch cờ chớp thế giới Lê Quang Liêm lại vừa thêm một lần bị văng ra khỏi nhóm Siêu Đại Kiện tướng quốc tế dành cho những kỳ thủ có hệ số elo từ 2.700 điểm.
Tưởng như không có gì quá nghiêm trọng song chính điều này tiếp tục là một chỉ dấu cho một sự thật phũ phàng khi ngôi sao hàng đầu của TTVN đã đánh rơi đẳng cấp và sức vươn phi phàm, loay hoay trong sự nửa vời và lãng phí vô cùng đáng tiếc.
Nếu cứ duy trì sự nửa vời như hiện tại, quá khó để Quang Liêm lấy lại được phong độ đỉnh cao cùng sức vươn phi phàm của mình, như mình từng đạt tới những năm 2011-2013, đặc biệt là 2013. Năm 2013, Liêm đã tham dự trên 10 giải đấu quốc tế với kết quả gần như đấu đâu thắng đó. Chỉ trong đúng 2 tháng, anh khiến cả làng cờ quốc tế phải kinh ngạc với 2 kỳ tích liên tiếp: Vô địch châu Á và vô địch thế giới, đều ở nội dung cờ chớp.
Ngã rẽ từ chuyến du học Mỹ
Cách đây 6 năm, Quang Liêm đã có bước ngoặt mới với quyết định du học tại trường Đại học Webster Mỹ, nơi anh được cấp học bổng toàn phần trị giá 35.000 USD/năm. Tại đây, Liêm vẫn duy trì song song việc học văn hóa và tập luyện cờ, bên cạnh rất nhiều hảo thủ quốc tế hàng đầu. Trên danh nghĩa là vậy song thực tế lại diễn ra hoàn toàn khác, với những tác động trực tiếp tới nghiệp cờ mà bản thân anh cũng không thể hình dung. Chương trình học thi tại đây rất nặng và chặt, gần như ngốn hết thời gian, tâm sức của tuyển thủ Việt Nam, nhất là khi anh còn phải gồng mình lên để làm quen phương pháp, bổ sung các mảng kiến thức còn thiếu hụt. Quan trọng hơn, cũng vì thế Liêm vô cùng khó khăn trong việc chuẩn bị, đăng ký dự tranh các giải bên ngoài nước Mỹ. Anh chỉ có thể chọn lựa một vài giải đấu phù hợp, hoàn toàn phụ thuộc vào lịch học thi của trường. Nhìn nhận thẳng thắn, sự tập trung của Liêm cho cờ vua chỉ bằng một phần giai đoạn trước, thời điểm anh gần như dốc hết tâm sức vào tập luyện thi đấu, tham dự hàng chục giải tầm cỡ thế giới mỗi năm.
Trả giá bằng phong độ và thành tích
Bản thân Quang Liêm cùng giới chuyên môn đều hiểu rằng quá khó để duy trì được đỉnh cao trong tình thế đó. Và dù anh luôn quyết tâm, nỗ lực tối đa cũng không thể ngăn được bức thụt lùi nghiêm trọng về phong độ, thành tích. Điển hình như cả năm 2014, Liêm tham dự đúng 3 giải, với kết quả đáng thất vọng. Trong đó, tại giải cờ nhanh và cờ chớp VĐTG, anh chỉ đứng thứ 19 cờ nhanh và thứ 4 cờ chớp – nội dung đang là ĐKVĐ. Liêm cũng không bảo vệ được ngôi Quán quân tại HD Bank Cup trên sân nhà. Anh đã bị văng ra khỏi danh sách Siêu Đại KTQT- những kỳ thủ có hệ số Elo 2.700 trở lên.
Sang năm 2015, tình hình đã khả quan hơn nhiều, có lẽ nhờ Liêm đã bắt đầu cân đối, điều chỉnh được phần nào giữa học văn hóa và cờ vua. Chỉ có điều, cũng kể từ đó, sức cờ của anh luôn rơi vào tình trạng phập phù. Không còn thấy một Quang Liêm thi đấu vừa chắc chắn, ổn định, quyết đoán vừa sáng tạo và đột phá như trước, kể cả ở sở trường cờ chớp hay cờ nhanh. Thậm chí, anh còn thường xuyên bị hụt hơi, bị động trong những thời điểm quyết định, vốn là điểm mạnh của mình.
Sự nửa vời và lãng phí đầy tiếc nuối
Trên thực tế, Quang Liêm vẫn là kỳ thủ số 1 Việt Nam vẫn có thể mang về những chiến tích xuất sắc như huy chương châu Á, suất dự Olympic hay danh hiệu ở các cuộc đấu quốc tế loại khá, vì anh đã đạt tới một đẳng cấp rất cao. Tuy nhiên, tài năng đặc biệt cùng sức phát triển hiếm có của anh chắc chắn sẽ không thể tiếp tục được phát huy cao nhất. Đó có thể coi như một sự lãng phí vô cùng đáng tiếc cho anh và cả cờ vua Việt Nam. Làng cờ quốc tế, không có một kỳ thủ nào, dù xuất chúng tới đâu, có thể thành công theo cách thức tập luyện, thi đấu nửa vời.
Cả một bài toán lớn và khó đã đặt ra cho Quang Liêm. Anh vẫn đang phấn đấu hết mức để chu toàn cả hai, song dường như mới chỉ thành công ở chuyện học văn hóa. Trong khi đó, với quan điểm và mục tiêu của mình, không có chuyện Liêm tạm ngưng việc học để ưu tiên cho nghiệp cờ.
Ngành thể thao mất quyền kiểm soát
Tính đến thời điểm này, sau 22 năm tập luyện thi đấu cờ vua, Quang Liêm không có bất cứ khoản đầu tư riêng nào từ ngành thể thao, kể cả trung ương lẫn địa phương. Nếu so với những gì kình ngư Ánh Viên hay đô cử Kim Tuấn đang nhận được, đó là một sự thiệt thòi, phần nào đó là bất công lớn. Khoản duy nhất mà Liêm nhận được chỉ là việc dự tranh các giải đấu trong màu áo ĐTQG, thực chất cũng giống như quyền lợi và nghĩa vụ của các tuyển thủ khác. Rất đáng buồn và đáng tiếc, thay vì phải coi Liêm là một trọng điểm hàng đầu, ngành thể thao lại chỉ đứng ngoài xoa tay và thụ hưởng theo đúng kiểu “lúa trời”. Ngay cả trong thời kỳ bùng nổ nhất của tài năng, Liêm cũng không nhận được bất cứ điều gì khác biệt. Các nhà quản lý huấn luyện coi việc Liêm đoạt các thành tích vang dội gắn với các khoản tiền thưởng đáng kể, rồi tự tái đầu tư cho mình, là một chuyện đương nhiên. Càng đáng nói hơn vì kế hoạch tập huấn, thi đấu hàng năm cũng gần như được khoán trắng cho chính Liêm cùng gia đình.
Cũng chính vì thế khi Liêm quyết định sang Mỹ du học tại trường Đại học Webster, ngành thể thao cũng không thể có ý kiến gì, dù biết rằng đó là một “canh bạc” đối với sự nghiệp của anh. Và giờ, ngành thể thao, cụ thể là Bộ môn và Liên đoàn Cờ Việt Nam đã hoàn toàn mất kiểm soát với ngôi sao hàng đầu của mình. Việc Liêm tập luyện thi đấu cờ vua như thế nào trên đất Mỹ, họ không hề được biết chứ chưa nói có thể tác động, điều chỉnh. Ngay cả các giải đấu của ĐTQG, từ SEA Games đến châu Á, ngành thể thao chỉ có thể thông báo rồi chờ đợi Liêm thu xếp, căn cứ vào lịch học – thi của mình.
Ngay từ những năm 1999-2000, khi cờ vua Việt Nam bế tắc về kinh phí, gia đình Liêm đã tự bỏ tiền đầu tư cho con, thậm chí nhiều lần chi toàn bộ từ 50 đến 70 triệu đồng, để con cùng HLV được dự tranh tài một vài giải quốc tế. Cũng chỉ có Liêm mới từng có những đợt tập huấn đặc biệt như lần thọ giáo chuyên gia người Nga ở một resort tận Phan Thiết với học phí 50 USD/giờ. Với tần suất mỗi ngày 4 giờ trong 2 tuần liên tục, Liêm đã tiêu tốn 60 triệu đồng. Hay riêng tiền học và đấu cờ qua mạng với các danh thủ thế giới, mỗi năm anh cũng đã tốn vài ngàn USD.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét