Maxime Vachier-Lagrave chia sẻ về hành trình đến với cờ vua, những suy nghĩ về làng cờ vua hiện tại và tham vọng vô địch thế giới.
2019 có thể xem là một năm dang dở đối với Maxime Vachier-Lagrave. Kỳ thủ người Pháp được xem là một trong những VĐV xuất sắc nhất của làng cờ thế giới hiện tại với phong cách thi đấu rất nhạy bén, đầy tính chiến thuật và khả năng tấn công đáng nể. Mặc dù đã có được vị trí vững chắc trong top những kỳ thủ ưu tú (elite) từ 2013 nhưng Vachier-Lagrave vẫn chưa có cơ hội thách đấu Magnus Carlsen cho ngôi vương của làng cờ thế giới.
MVL vẫn chưa 1 lần được tham dự giải Thách Đấu (Candidates), vắng mặt một cách đáng tiếc mặc dù đã tiến rất gần ở cả giải Grand Prix, World Cup hay bảng xếp hạng FIDE. Vachier-Lagrave quyết tâm thay đổi kết quả này ở năm 2019.
PV: Anh phát hiện ra năng khiếu cờ vua của mình vào lúc nào?
MVL: Năm 6 tuổi, cha đã dẫn tôi đến một CLB địa phương. Lúc đó, tôi không hề biết rằng mọi người đã xem mình là một tài năng. Tôi bắt đầu tham gia vào những giải đấu đầu tiên vào năm đó và trở thành nhà vô địch Pháp ở lứa tuổi của mình, đó là lúc tôi nhận ra mình có thể trở thành một kỳ thủ thực thụ. Nhưng điều tôi nhớ nhất khi đó là luôn bị mọi người bảo rằng tôi hơi hấp tấp. Ở giải vô địch Pháp năm đó, chúng tôi có 1 giờ để suy nghĩ nhưng có một vài trận tôi chỉ tốn có 5 phút. Nhưng bạn biết đó, 1 giờ đối với một thằng nhóc 6 tuổi nó dài tới mức nào.
Dần dần, mọi người cũng giúp tôi hiểu ra làm sao tận dụng tốt nhất khoảng thời gian cho phép đó.
PV: Điều anh thích nhất ở cờ vua là gì?
Ở một thời điểm nào đó, bạn nhận ra rằng đừng bao giờ ngừng học. Khi giành chiến thắng, bạn chứng tỏ được khả năng của mình trước đối thủ và mọi người. Khi còn bé, tôi luôn thích cảm giác đó, đến giờ vẫn vậy!
PV: Thời điểm anh lớn lên, những năm 1990 và 2000, cờ vua Pháp bắt đầu đi lên. Anh nghĩ thế nào?
Vào thời điểm đó, nhiều đại kiện tướng từ Liên Xô bắt đầu xuất ngoại để tìm một tương lai tốt hơn và có lẽ Pháp là một trong những điểm đến hấp dẫn. Họ trở thành các HLV ở đây, và đó là cơ hội cho những kỳ thủ trẻ được tiếp xúc với những cao thủ của thế giới. Thầy cũ của tôi là đại kiện tướng người Bulgaria Nikola Spiridonov. Trong 4 năm làm việc chung, ông ấy đã dạy tôi Phòng thủ Grunfeld và cách đánh tàn cuộc. Đến bây giờ đó vẫn là một trong những điểm mạnh nhất của tôi.
PV: Anh là một trường hợp đặc biệt, khi bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp sau khi học đại học. Làm thế nào để cân bằng giữa thi đấu và những cuộc tiệc tùng với bạn bè?
Tôi chỉ thật sự bắt đầu tiệc tùng nhiều khi 22, 23 tuổi, đã thi đấu chuyên nghiệp và tiến gần top 20, bạn biết đó, người Pháp mà. Khi bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp, tôi gặp gỡ những kỳ thủ hàng đầu nhiều hơn, và họ cũng đã tiệc tùng khá nhiều rồi. Nhưng tôi không nghĩ nó ảnh hưởng tới sự nghiệp của mình. Đôi lúc, bạn cần phải thư giãn, tạo cảm giác thoải mái cho bản thân. Tôi cũng tham gia một số một thể thao khác như quần vợt, bóng bàn, thậm chí là bóng đá, mặc dù tôi phải thừa nhận là mình chơi khá tệ.
PV: Thỉnh thoảng anh hay đùa trên Twitter rằng mình khá lười biếng. Anh có thể nói rõ hơn không?
Tôi thường để nước đến chân mới nhảy. Như hồi World Cup đầu tiên vào năm 2009, tôi gần như không chuẩn bị gì và kết quả là gặp thất bại nặng nề trong 2 ván đầu tiên. Đôi khi tôi thấy mình không cần phải cố gắng quá nhiều nhưng vẫn có thể làm khá tốt, đó là một nhận định mà tôi thấy bản thân cần phải thay đổi.
Tôi thấy mình chỉ thật sự tập trung cho cờ vua khi cảm thấy nó thật sự là một việc khẩn cấp cần làm. Năm 2015, lúc đó tôi đã thi đấu các giải lớn được 1 năm và nhận thấy mình chưa thật sự tạo được sự đột phá nào. Có một thời điểm mà tôi không thể thắng trong 30 trận liên tiếp, từ elo 2770 tuột xuống elo 2720. Và một lần là hồi 2008, khi lần đầu tiên vượt qua elo 2700, các kiện tướng và đại kiện tướng khác bắt đầu thi đấu thận trọng với tôi hơn. Tôi thấy mình khó có thể đánh bại họ hơn trước, tôi phải mất một khoảng thời gian để làm quen.
PV: Anh nghĩ thế nào về sự khác nhau giữa nhóm các cao thủ hàng đầu và những đại kiện tướng nằm ngoài top 50 hay top 100?
Điều lớn nhất là ở quá trình chuẩn bị khai cuộc. Nếu bạn thuộc nhóm elo 2500, nó không quá cần thiết. Nhưng nếu bạn dành sự chuẩn bị như các cao thủ hàng đầu cũng là một điều tốt. Những bạn cũng cần cải thiện ở những mặt khác nữa. Có một điều mà nhiều người không thật sự chú ý, đối với các kỳ thủ hàng đầu, họ luôn muốn được cầm quân Trắng. Điều đó còn hơn cả một lợi thế ban đầu. Nhiều kỳ thủ luôn biết cách chuẩn bị tốt, ví dụ như Fabiano Caruana chẳng hạn. Ngay cả Magnus, bằng một cách nào đó, luôn đưa trận đấu theo cách chơi của mình.
PV: Có thể cho chúng tôi biết về số lượng nước đi mà anh cần phải ghi nhớ không?
Chúng tôi lưu trữ tất cả mọi thứ. Mỗi một dòng có từ 3000 đến 6000 nước đi, hoặc hơn. Rất rất nhiều, bạn luôn phải dự phòng mọi thứ để có thể tạo bất ngờ cho đối thủ của mình. Đương nhiên không thể nhớ chi tiết từng nước đi nhưng các vị trí và làm sao để đến được đó.
PV: Anh đề cập đến sự chuẩn bị của Fabiano. Điều đó ảnh hưởng như thế nào đến năm 2018 tuyệt vời vừa anh của anh ấy?
Fabiano đã tiến bộ khá nhiều. Khai cuộc của anh ấy lúc nào cũng rất đáng sợ. Phải nói rằng anh ấy đang chơi ở một cấp độ khác. Nhưng tôi vẫn chưa thấy anh ấy vượt trội hơn mình hay các đối thủ khác, điều mà Magnus đã làm được vào khoảng 2012-2014. Lần duy nhất mà anh ấy thật sự thể hiện sự thống trị của mình là ở Sinquefield 2014 (Caruana thắng cả 7 trận đầu tiên).
PV: Điều gì làm cho Magnus thi đấu tốt đến như vậy vào khoảng 2012-2014 và tại sao anh ấy không còn thực sự thống trị từ thời điểm đó?
Anh ấy tấn công liên tục, luôn tạo áp lực và không để đối thủ có thời gian nghỉ ngơi. Có một khoảng thời gian như vậy và rồi chúng tôi tìm được cách để phòng thủ. Chúng tôi phân tích từng nước đi của anh ấy và từng bước từng bước làm cho khoảng cách trình độ ngắn lại. Có lẽ đó là một trong những lý do. Anh ấy vẫn đang là kỳ thủ xuất sắc nhất, có lẽ đó đã là bản năng.
PV: Anh từng xếp thứ 2 thế giới vào năm 2016. Anh có nghĩ mình sẽ có cơ hội tranh ngôi vương với Magnus?
Điều quan trọng nhất là tôi phải đủ điều kiện tham dự giải Thách Đấu. Nếu đợi đến 2022 thì tôi đã 32 tuổi rồi, hơi trễ để có lần đầu tiên tham dự. Tôi cần phải giành chiến thắng, rồi sau đó mới là trận tranh vô địch thế giới. Kinh nghiệm là một phần rất quan trọng.
Nếu đến được trận tranh vô địch thế giới, bạn có 6 tháng để phân tích đối thủ của mình, từng nước đi của anh ta, phải tìm ra điểm yếu. Nó khác với những gì chúng tôi thường làm, và Magnus thì đã quá quen với việc đó, rất khó cho bất cứ ai phải lần đầu đối mặt với anh ấy.
PV: Anh thất vọng thế nào khi không thể tham dự giải Thách Đấu năm 2018, khi đã tiến tới rất gần?
Thành thật mà nói, tôi phải trả giá lớn cho những sai lầm nhỏ của mình. Thật sự rất thất vọng khi đó là mục tiêu lớn nhất trong năm của tôi. Tôi cảm thấy giải Grand Prix là cơ hội khã dĩ nhất của mình nhưng tôi lại không giành đủ số trận thắng. Nhưng World Cup 2017 lại có tác động tâm lý với tôi nhất.
Khi đã vào đến trận bán kết, bạn luôn mong sẽ thắng để đủ điều kiện tham dự giải Thách Đấu. Tôi nghĩ mình cần phải làm việc nghiêm túc hơn về cách tôi xử lý ở những thời điểm quyết định. Thật khó chấp nhận khi phải vắng mặt, nhưng như tôi đã nói, kinh nghiệm rất quan trọng, và nếu được tham gia giải vào năm tới, tôi yêu cầu bản thân phải thắng ngay trong lần đầu tiên. Đó thật là một bước lùi của tôi, nhưng tôi mong nó chỉ là tạm thời.
PV: Anh có cảm thấy áp lực phải tham dự trận tranh vô địch thế giới trong vài năm tới không?
Có chứ. Làng cờ đang ngày càng trẻ hóa, họ mới 18-19 tuổi thôi nhưng chỉ trong vài năm tới đã có thể là những kỳ thủ hàng đầu. Đương nhiên sẽ có những người vẫn thi đấu tốt ở tuổi 50 như Vishy Anand, nhưng đó chỉ là những trường hợp đặc biệt.
Đỉnh cao sự nghiệp của một kỳ thủ thường chỉ trên dưới 40 tuổi. Thậm chí là tầm 36-38 tuổi đã là khó để tranh chức vô địch thế giới rồi. Tôi cần phải làm tốt hơn nữa, vượt qua giải Thách Đấu.
PV: Tại sao anh lại giới hạn ở 40 tuổi?
Thể chất là một tác nhân quan trọng. Cờ vua là môn thể theo đòi hỏi sự tập trung lớn. Chỉ cần sơ sảy trong 1 nước đi, bạn sẽ phải trả giá rất đắt. Trí nhớ cũng quan trọng không kém, càng lớn tuổi, bạn càng dễ sai lầm hay quên một nước đi nào đó.
Hãy nhìn vào Vladimir Kramnik trong những năm gần đây. Anh ấy không còn giữ được phong độ trong suốt giải. Anh ấy khó khắn trong việc liên tục tập trung vào từng nước đi, vì vậy mới cần người giám sát. Tới một thời điểm nào đó, cơ thể bạn cần phải được nghỉ ngơi, không thể liên tục chịu sự căng thẳng về cả thể chất và tinh thần. (Kramnik không còn thi đấu chuyên nghiệp từ tháng 1 vừa qua).
Theo VNChess
0 nhận xét:
Đăng nhận xét