Những đại kiện tướng cờ vua khác biệt người thường ở chỗ họ biết
tự vô hiệu hóa phương kế của chính mình.
Hình minh họa |
Tại hội thảo của Hiệp hội Khoa học Nhận thức diễn ra ở Chicago,
Mỹ, cuối tuần qua, các nhà khoa học đã công bố một bí quyết dành cho giới hâm
mộ môn thể thao trí tuệ này. Đó là tìm cách bẻ gãy giả thuyết của chính mình,
thay vì tìm ra những hướng nhằm hỗ trợ nó.
"Đó là một quan niệm mới mẻ trong tính triết lý của môn cờ
vua", nhà khoa học kiêm tay mê cờ Mark Orr tại Ireland nói. Theo ông,
nghiên cứu có thể giúp những tân binh trong làng cờ vua trau dồi kỹ năng của
mình.
Khi quyết định các nước đi, người chơi thường vẽ ra trong đầu
một loạt cú chuyển quân sẽ xảy ra tiếp theo, thông thường họ có thể nhìn ra 8
nước đi trước mắt. Điểm khác biệt ở một người chơi cờ bình thường với một đại
kiện tướng là ở chỗ, trong khi hầu hết mọi người tập trung nghĩ đến những nước
đi của đối thủ mà sẽ có lợi cho hướng đi của mình, thì các ông vua cờ lại phỏng
đoán chính xác những nước tiếp theo nào của đối phương có thể làm suy yếu vị
trí của quân ta.
Nhà khoa học đam mê cờ vua Michelle Cowley tại Đại học Trinity ở
Ireland, đã tiến hành nghiên cứu trên 20 kỳ thủ thuộc mọi đẳng cấp. Những người
này được đối mặt với 6 thế cờ khác nhau, khi ván cờ đã đi được nửa chặng đường.
Trong đó, cả quân trắng và đen đều có cơ hội chiến thắng ngang nhau, và không
có một nước đi nào hiển hiện ngay trước mắt.
Mỗi người chơi phải nói lên suy nghĩ của mình khi quyết định các
bước đi. Cowley sẽ đánh giá chất lượng của mỗi nước đi đó bằng cách so sánh với
Fritz 8, một trong những chương trình chơi cờ mạnh nhất hiện nay.
Cô tìm thấy những tân binh thường tự thuyết phục mình rằng những
nước xấu rồi cũng sẽ đi theo hướng có lợi cho mình, bởi họ tập trung nhiều hơn
vào những nước đi của đối thủ có lợi cho chiến thuật của họ, trong khi đó lại
bỏ qua những nước có thể dẫn tới làm thất bại giả thuyết của mình.
Ngược lại, các đại kiện tướng thường phỏng đoán một cách chính
xác khi nào kết quả của một nước đi có thể làm ảnh hưởng tới vị trí của mình.
"Các siêu kỳ thủ thường nghĩ nhiều hơn về những gì đối thủ sẽ làm. Họ
thường tự công kích giả thuyết của chính mình", Cowley nói.
Nhà triết học Karl Popper đã gọi quá trình thử nghiệm giả thuyết
này là "chứng minh ngược". Điều đó cũng góp phần miêu tả bản chất của
khoa học vốn luôn tự đặt ra những nghi vấn rồi điều chỉnh lại quan niệm.
Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy việc "chứng minh ngược"
với nhiều người là rất khó. Cho đến gần đây, các nhà khoa học mới được chứng tỏ
là nhóm duy nhất sử dụng nguyên tắc này.
Nhà khoa học Ruth Byrne cũng dự đoán rằng hành vi này có thể
được phát triển rộng rãi, nhưng chỉ giới hạn trong những ai là chuyên gia trong
lĩnh vực của mình. Khả năng phản biện có liên quan tới khối lượng kiến thức
rộng lớn, mà chỉ các chuyên gia như kiện tướng cờ vua, hoặc các nhà khoa học,
mới thu lượm được.
Byrne và Cowley hy vọng sẽ tiếp tục nghiên cứu trên những tài
năng trẻ cờ vua để xem họ phát triển chiến thuật "chứng minh ngược"
như thế nào và vào lúc nào. Họ cũng muốn tìm hiểu liệu các đại kiện tướng có áp
dụng chiêu thức này trong những hoạt động khác. Với quan điểm này thì Mark Orr
có vẻ hồ nghi: "Tôi không cho rằng các kỹ năng chơi cờ sẽ vượt xa như vậy,
nó là một kỹ năng rất chuyên biệt".
Nguồn: Internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét