Đại kiện tướng cờ vua Lê Quang
Liêm. Ảnh: H.A
Nếu đặt câu hỏi thu nhập của vận động viên (VĐV) thể thao thành
tích cao có cao hay không, câu trả lời là: Với đặc thù thể thao và sự khắc
nghiệt, so với mặt bằng chung còn thấp. Tuy vậy, trong một số môn và với một số
VĐV nổi bật, dù con số không nhiều, nhưng thu nhập khá tốt, đủ sống và phát
triển sự nghiệp.
Những tấm
gương để mơ ước
Nguyễn Tiến Minh (cầu lông) vẫn là VĐV có thu nhập cá nhân nhiều
nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam từ trước tới nay, trừ bóng đá. Tay vợt
người TPHCM vừa kết thúc hợp đồng nhận tài trợ trị giá 1 tỉ đồng/năm của hãng
sản xuất đồ thể thao Mizuno (Nhật Bản) và ngay lập tức, Minh đã được một thương
hiệu khác của Nhật Bản kết nối tìm hướng ký kết.
Hiện tại, Tiến Minh là VĐV được thể thao TPHCM đầu tư tốt nên có
mức lương 10 triệu đồng/tháng. Cách đây vài năm, nhà tài trợ Becamex đã đồng
hành với Tiến Minh để duy trì tài trợ hằng tháng phụ thuộc theo thứ hạng trên
bảng xếp hạng thế giới (50 triệu đồng/tháng nếu đứng trong top 10 thế giới) và
đến đầu năm 2016, bản hợp đồng giá trị và đáng mơ ước với giới thể thao này mới
kết thúc. Thu nhập chính của Minh ngoài lương còn có hợp đồng tài trợ cá nhân.
Ngoài ra, tay vợt này cùng bà xã Vũ Thị Trang đã mở cửa hàng kinh doanh dụng
cụ, vợt cầu lông tại TPHCM. Ở tuổi 34 và phong độ đã không còn đỉnh cao, Tiến
Minh vẫn thu nhập ổn định, từ nhiều năm qua không còn canh cánh nỗi lo “cơm áo
gạo tiền” và thậm chí còn có thể thành đạt với cầu lông.
Lê Quang Liêm (cờ vua) hiện vẫn du học tại Mỹ. Nguồn thu chính của
đại kiện tướng này là lương của TPHCM và tiền thưởng thi đấu. Thưởng của môn cờ
vua trong giải quốc tế luôn rất cao và với khả năng của mình, Liêm đã từng
giành được tiền tỉ giải thưởng. Đầu tháng 3 năm nay, Quang Liêm vô địch Giải cờ
vua quốc tế HD Bank và nhận thưởng 13.000 USD (gần 300 triệu đồng) và xét về
thưởng cá nhân, chưa một môn nào ở Việt Nam có giá trị giải nhất cao như vậy.
Còn nhớ trong năm 2015, Quang Liêm đã thi đấu giải cờ tỉ phú và xếp hạng nhì,
nhận thưởng 50.000 USD (hơn 1 tỉ đồng).
Những điển hình cần nhân rộng
VĐV cùng nghề với nhau đều biết đơn vị nào có lương, thưởng ra
sao, kể cả môn cá nhân hoặc tập thể (trừ bóng đá). Chế độ và mức lương phụ
thuộc theo đơn vị chủ quản. Hiện tại, giới trong nghề biết chế độ và đãi ngộ
tốt nhất vẫn là TPHCM. Thể thao của thành phố mang tên Bác tạo một cơ chế thuận
lợi cho VĐV để họ an tâm tập luyện, thi đấu và có nhiều động lực phấn đấu, vươn
lên trong sự nghiệp.
Một VĐV TPHCM thi đấu đoạt huy chương tại các đại hội thể thao
quốc tế, đại hội TDTT toàn quốc thì tiếp tục được hưởng đãi ngộ kéo dài chu kỳ
theo năm cho đến lần đại hội kế tiếp. Nếu VĐV đó vẫn giữ được thành tích thì
tiếp tục hưởng như vậy theo chu kỳ thời gian.
Thể thao Hà Nội là đơn vị có thành tích thi đấu mạnh trong nước
nhưng lương cho từng cá nhân chưa cao, thậm chí là thấp. Cuối năm 2016, UBND Hà
Nội đã thống nhất thông qua mức thưởng mới đối với VĐV tại các giải thi đấu
toàn quốc và quốc tế. HLV, VĐV thể thao Hà Nội khá hồ hởi khi mức thưởng mới
được áp dụng nhưng xét về mặt bằng, nhiều người vẫn chờ đợi lương được tăng thì
sẽ bớt lo lắng hơn. Cuối năm 2016, Thông tư số 138/2016/TT-BQP của Bộ Quốc
phòng về “Hướng dẫn thực hiện một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao quân đội
được tập trung tập huấn và thi đấu” và chỉ tính thi đấu quốc nội, nếu đoạt huy
chương vàng tại đại hội TDTT toàn quốc, mỗi VĐV được nhận thưởng 30 triệu
đồng/chiếc, còn vô địch môn thi đấu giải quốc gia thì nhận 25 triệu
đồng/chiếc...
Khó khăn chung mà VĐV chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao Việt
Nam gặp phải là lương cố định chưa tương xứng, do những rào cản khách quan và
đặc thù cơ chế. Do vậy, một số địa phương đã chuyển hướng chuyển giao một số
môn cho doanh nghiệp thực hiện xã hội hóa. Cuối năm 2016, thể thao Hà Nội đã
chuyển giao hoàn toàn cầu thủ bóng chuyền nữ cho Công ty Hóa chất Đức Giang
quản lý, đầu tư và đó là cách làm đáng hoan nghênh, cần được khuyến khích nhân
rộng để thể thao có thể sống khỏe, sống tốt và phát triển.
Bóng
chuyền đã nổ ra nhiều tranh cãi khi vào dịp đầu năm, các VĐV đỉnh cao, trong đó
có những tuyển thủ quốc gia, luôn góp mặt các giải nghiệp dư hội làng dù các
điều kiện thi đấu không đảm bảo theo tiêu chí chuyên nghiệp. Các đơn vị chủ
quản ý thức được vấn đề nhưng vẫn phải “lách”, tạo điều kiện cho VĐV tìm cách
tăng thu nhập chính đáng. Tham dự các giải hội làng, một VĐV có thu nhập không
dưới 30-40 triệu đồng chỉ trong chưa đầy 1 tháng. Với bóng chuyền chuyên
nghiệp, thu nhập của những tên tuổi nổi tiếng nhất như Ngô Văn Kiều, Từ Thanh
Thuận (Sanest Khánh Hòa) cũng chỉ khoảng 30 triệu đồng/tháng.
http://laodong.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét