Sự giống nhau của cờ vua và chiến lược kinh doanh
Nghĩ nhanh. Nghĩ trước và nghĩ dưới áp lực. Điều đó làm nên thành công của bạn trong kinh doanh – và trong cờ vua. Dưới đây là chia sẻ của Bruce Pandolfini, một trong những huấn luyện viên xuất sắc nhất Thế giới, làm thế nào để suy nghĩ như một nhà vô địch
Thời gian nào khiến bạn đau đầu hơn là lúc suy nghĩ về chiến lược kinh doanh? Khách hàng quan trọng nhất cũng có thể là một trong những đối thủ cạnh tranh chính và ngược lại cũng có thể trở thành nhà cung cấp tốt nhất của bạn. Những thị trường phát triển nhanh nhất (đặc biệt là những thị trường được thúc đẩy bởi internet) hiện tại có thể chỉ là các thị trường ít lợi nhuận nhất — nhưng lại là những thị trường sẽ định hướng tương lai. Thông tin về các vụ sáp nhập và liên minh chiến lược xuất hiện liên tiếp trên mặt báo và làm thay đổi sân chơi cạnh tranh trong nháy mắt. Tên của trò chơi trong chiến lược kinh doanh ngày nay: Nghĩ nhanh. Nghĩ trước và nghĩ dưới áp lực.
Diều đó hoàn toàn giống với cờ vua. Bruce Pandolfini không biết nhiều về các kế hoạch kinh doanh hay giao dịch Internet nhưng ông biết nhiều hơn đa số những nhà kinh doanh khác về tư duy chiến lược. Pandolfini, 51 tuổi, là một trong những huấn luyện viên cờ vua được săn đón nhiều nhất, là một tác gia nổi tiếng với những cuốn sách về cờ vua được đọc nhiều nhất của thế kỷ 20. Trong cờ vua, ông giống như Peter Drucker trong lĩnh vực quản lý hay Carl Sagan trong lĩnh vực khoa học: một giảng viên, một phóng viên, một bình luận viên và một người cực kỳ nổi tiếng.
Nếu bạn nhìn thấy một ý tưởng tốt, hãy tìm một ý tưởng khác tốt hơn
Hầu hết mọi người tin rằng các kì thủ vĩ đại tư duy chiến lược bằng cách suy nghĩ nhiều nước đi xa hơn trong tương lai, bằng cách suy nghĩ trước 10 hoặc 15 nước. Điều đó không chính xác. Các kì thủ chỉ nhìn xa trong tương lai khi cần và thường là suy nghĩ trước một vài nước. Suy nghĩ trước quá xa là một sự lãng phí thời gian: thông tin không chắc chắn, tình huống thì mơ hồ. Chơi cờ là kiểm soát tình hình ngay trong tầm tay của bạn. Vì thế, bạn cần sự rõ ràng, chứ không phải khả năng nhìn trước mọi việc trong tương lai.
Vì vậy, vấn đề thực sự không phải các cao thủ cờ vua suy nghĩ xa như thế nào mà là cách họ suy nghĩ trong từng thời điểm. Họ sẽ xem xét nước đi tiếp theo của mình mà không di chuyển quân và sau đó xem xét phản ứng của đối phương với nước đi đó. Và họ sẽ đặt ra các câu hỏi. Câu hỏi quan trọng nhất cũng là câu hỏi đơn giản nhất: Mình sẽ làm gì nếu đối thủ không làm gì cả? Đơn giản vậy thôi.
Tuy nhiên, phần lớn người chơi cờ không suy nghĩ theo cách như vậy. Hầu hết họ đều tìm kiếm rất ít: họ nhìn thấy một nước đi tốt và ngay lập tức đi nó. Đó là một sai lầm. Bạn không bao giờ nên chơi nước đi tốt đầu tiên xuất hiện trong đầu bạn. Hãy cho nước đi đó vào danh sách của bạn và sau đó hãy tự hỏi xem còn nước nào tốt hơn không. “Nếu bạn nhìn thấy một ý tưởng tốt, đừng vội vàng, hãy tìm một ý tưởng khác tốt hơn” – đó là phương châm của tôi. So sánh chính là một phần của tư duy tốt.
Cờ vua xuất hiện ở thế kỷ 6 và bắt đầu lan tỏa mạnh mẽ khắp các nước Châu Âu từ thế kỉ 15. Chiến lược cờ vua luôn được phân tích, cải tiến và phân tích lại. Có quá nhiều kì thủ chỉ học một chuỗi các nguyên tắc và sau đó áp dụng theo những nguyên tắc đó một cách máy móc. Họ bắt đầu các ván cờ một cách giống nhau và phản ứng với mộtcuộc tấn công cụ thể cũng giống nhau. Họ “đang chơi theo quy tắc” – nhưng họ cũng đồng thời tự đưa mình vào thế yếu nếu gặp phải những đối thủ không tuân theo những nguyên tắc mà họ từng biết.
Bobby Fischer nổi tiếng là một kì thủ luôn đầy ắp ý tưởng chơi. Anh ta thường xuyên có những nước đi làm mới khai cuộc hoặc phát hiện và biến hóa các nước đi cũ mà người ta đã lãng quên. Tôi từng bắt gặp cảnh Fischer mải mê nghiền ngẫm các tài liệu ghi lại các ván cờ từ thế kỷ 19 ở Câu lạc bộ Cờ vua Marshall, New York vào buổi sáng sớm. Lúc đó tôi tự hỏi, “Tại sao kì thủ xuất sắc nhất thế giới lại đọc các ván cờ từ 150 năm trước?” Đúng như dự đoán, trong giải Vô địch cờ vua nước Mỹ một năm sau đó, anh ta đã chơi một khai cuộc lấy cảm hứng từ một trong những ván cờ cổ đó. Fischer không đơn thuần chỉ là người chơi khai cuộc xưa mà anh ta còn đặt dấu ấn riêng của mình vào đó. Đây là một trong những khả năng tuyệt vời của Fischer: tìm kiếm các nước đi “lạ thường” và thổi vào chúng một sức sống mới.
Cờ vua là một trò chơi của các ưu thế nhỏ. Wilhelm Steinitz, nhà sư phạm cờ vua hiện đại đầu tiên, là người đã phát triển thành công lý thuyết về lối chơi thế trận. Lý thuyết đó cho rằng, để có được một ưu thế, bạn phải từ bỏ một ưu thế khác. Câu hỏi được đặt ra là “Vậy làm thế nào giành chiến thắng? Tại sao không giữ trận đấu luôn ở thế cân bằng động?” Câu trả lời là, bạn góp nhặt những ưu thế dường như không đáng kể – những ưu thế mà đối thủ của bạn không để ý hoặc coi thường và nghĩ là, “Có gì to tát đâu, mất cũng chả sao”. Nó có thể là ưu thế về phát triển quân tốt hơn một chút, hoặc vị trí vua an toàn hơn một chút. Một chút, một chút, và thêm một chút. Nếu đứng một mình thì không cái “một chút” nào làm nên trò trống gì, nhưng nếu thêm bảy hay tám ưu thế nhỏ như vậy thì đồng nghĩa với việc bạn đã nắm trong tay quyền kiểm soát. Đến lúc đó cách duy nhất mà đối thủ của bạn có thể phá vỡ sự kiểm soát là phải từ bỏ một thứ gì khác. Lối chơi thế trận dạy rằng người chơi phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình. Mỗi nước đi đều phải có ít nhất một mục đích.
Một điểm nữa cần lưu ý, đó là người chơi thường đánh giá quá cao các đối thủ của họ. Nếu có một nước đi không rõ ý đồ, nếu đối thủ của bạn cho bạn ăn quân mà bạn không hiểu tại sao, hãy tiếp tục tìm kiếm lý do. Nhưng nếu bạn không thể tìm thấy lý do, nếu có vẻ như đối thủ đã mắc một sai lầm, vậy hãy bắt quân đó ngay! Đó là cách duy nhất bạn có thể trừng phạt đối thủ của mình. Khi làm vậy, một trong hai điều tốt sẽ xảy ra: Bạn đúng, và bạn sẽ thắng; hoặc bạn sai, bạn sẽ học được một bài học. Điều quan trọng là bạn tự tin vào những phân tích của mình và không sợ quyết định dựa trên những phân tích đó.
Trong cờ vua có một câu châm ngôn: “Chơi quân cờ chứ không phải chơi con người.” Điều đó không hoàn toàn đúng. Người chơi cờ luôn muốn các nước đi của mình khách quan và có tính phân tích, nhưng để chơi cờ giỏi cũng cần phải giỏi trong việc đọc con người. Và để giỏi việc đó cần phải bắt đầu bằng khả năng đọc mắt của họ.
Cờ vua là một trò chơi của các mối liên hệ không gian. Nếu tôi nhìn thấy rất nhiều chuyển động mắt, thường đó là sự phản ánh suy nghĩ thực. Suy nghĩ có thể chưa chính xác – trẻ con mà – nhưng những chuyển động của mắt nói với tôi rằng đứa trẻ đó có thể đang ấp ủ một điều gì đó trong đầu.
Rất ít người nghĩ về cờ vua như một trò chơi mang tính cá nhân. Nhưng chính xác nó là như vậy.Người chơi học được rất nhiều điều về đối thủ của họ, còn những kì thủ xuất chúng thì học cách giải nghĩa từng cử chỉ mà đối thủ của họ thực hiện. Đôi khi nó còn là một cuộc chiến tranh tâm lý. Vua cờ Kasparov nổi tiếng là người khiến cho người khác phải ức chế. Mỗi khi ai đó đi một nước đi tồi anh ta sẽ làm điệu bộ, hoặc cười thầm một cách rất bẽ mặt. Và điều đó có thể làm đối thủ của anh ta suy yếu. Khi Kasparov gặp máy tính Deep Blue, lợi thế đó đã không còn nữa. Anh ta đang chơi với một cái máy, và tất cả các ngôn ngữ cơ thể mà anh ta thể hiện để làm yếu tâm lý của đối phương đều không có giá trị.
Mắc một sai lầm ở trung cuộc có thể phải trả giá đắt. Tuy nhiên, các kì thủ xuất sắc đều có một kỹ năng tuyệt vời, đó là duy trì sự bình tĩnh và tự tin tuyệt đối – ít nhất là vẻ bề ngoài. Các cao thủ có thể nghi ngờ một trong các nước đi của họ, nhưng họ không bao giờ nghi ngờ chính mình. Họ có thể thừa nhận mình đã phạm sai lầm nhưng họ không bao giờ tiết lộ cho đối thủ biết điều này. Một trong những sai lầm tồi tệ nhất mà bạn có thể làm ở giải vô địch cờ vua là cho đối thủ của bạn thấy rằng bạn đã mắc sai lầm. Ngay cả khi bạn biết rằng bạn đã đi một nước cực kì tồi tệ, bạn cần phải che giấu thực tế đó.
Khi bạn còn nhỏ, sẽ có một vấn đề xảy ra trong quá trình học cờ vua, đó là bạn sẽ thua rất nhiều. Và tất nhiên, lúc đó cái tôi cá nhân có thể khiến một đứa trẻ làm bất cứ việc gì. Nhưng nếu bạn có thể học cách xử lý thất bại khi còn nhỏ, rồi bạn sẽ học được cách để giành chiến thắng. Giúp học sinh vượt qua nỗi đau thất bại là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của một giáo viên cờ vua tốt.
Các buổi học của tôi thường rất im lặng. Tôi thấy các giáo viên khác luôn nói và nói: “Tại sao em lại đi nước đó?” “Những lựa chọn khác em đang cân nhắc là gì?” Còn tôi thì để cho các học viên của mình tự suy nghĩ. Nếu tôi đưa ra một câu hỏi và không nhận được câu trả lời đúng, tôi sẽ hỏi lại bằng cách khác và chờ đợi. Tôi không bao giờ đưa ra câu trả lời. Hầu hết chúng ta không thực sự đánh giá cao sức mạnh của sự im lặng. Nhưng một số cách giao tiếp hiệu quả nhất – giữa học sinh và giáo viên, giữa những kiện tướng – lại diễn ra trong khoảng thời gian im lặng.
Còn khi tôi nói chuyện với học viên, mục tiêu của tôi là giúp các em phát triển thứ mà tôi cho là hai trong số các hình thái quan trọng nhất của trí thông minh: khả năng đọc người khác, và khả năng hiểu chính mình. Đó là hai loại trí thông minh mà bạn cần để thành công trong cờ vua – và trong cuộc sống.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét