Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

LỊCH SỬ CỜ VUA

LỊCH SỬ CỜ VUA
           
"Trên đời không có gì vĩ đại bằng con người,
trong con người không có gì vĩ đại bằng trí tuệ"
A. Haminton (Anh)

1.1. Theo dòng lịch sử
            Trên hành tinh chúng ta có một trò chơi kết hợp trí tuệ và nghệ thuật do con người sáng tạo ra từ ngàn năm nay. Trải qua hàng chục thế kỷ chiêm nghiệm, con người đã liệt nó vào một trong bốn thú chơi thanh tao, nghệ thuật bậc nhất của nhân loại "Cầm Kỳ Thi Họa". Đó chính là Cờ (Kỳ). Cờ được sánh ngang với âm nhạc, hội họa, văn chương. Như vậy thì quả là không còn gì phải bình phẩm thêm nữa! Từ một thú chơi, cờ dần dà mang tính thể thao thử thách trí thông minh, óc sáng tạo của con người. Thời gian sàng lọc tất cả, chỉ những gì tinh tuý nhất mới được giữ lại. Trên trái đất này đã từng xuất hiện biết bao trò chơi, biết bao môn thể thao, trong số đó có rất nhiều trò chơi xuất hiện rồi mai một, rơi vào dĩ vãng và bị quên lãng. Riêng cờ thì khác hẳn. Đã trải qua hơn 1500 năm kể từ ngày nó ra đời, không những nó không bị mai một đi mà trái lại ngày càng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp ở tất cả các châu lục. Ngày nay khi nhân loại ngày càng văn minh thì cũng là lúc cờ ở vào thời kỳ hoàng kim của mình. Dù là cờ Tướng hay cờ Vua (bởi chúng là hai anh em sinh đôi) thì sức sống của chúng ngày càng mãnh liệt.
Một cách tự nhiên, những người chơi cờ, những người yêu thích cờ đến một lúc nào đó cũng sẽ đặt ra câu hỏi:
Cờ có từ bao giờ và lịch sử cả nghìn năm qua của nó ra sao?
Vì sao cờ được con người yêu thích và say mê như vậy?
Từ xưa tới nay ai là những người chơi cờ giỏi nhất?
Cờ có ích lợi gì cho con người?
Cờ ngày nay có khác gì với cờ ngày xưa không? v.v... 
***
Để trả lời những câu hỏi trên chúng ta hãy ngược dòng thời gian, cùng làm một chuyến du lịch về quá khứ .
Những dòng mở đầu về lịch sử cờ cũng giống như ở các câu chuyện cổ tích mà chúng ta thường nghe :”Ngày xửa ngày xưa, cách đây lâu lắm rồi...” 
Vào khoảng thế kỷ thứ 6, Ấn Độ ,quốc gia rộng lớn của Phương Đông, từng là một trung tâm văn hóa và nghệ thuật thế giới. Ngày nay,sang thăm đất nước này, chúng ta vẫn không khỏi kinh ngạc trước những đền đài hùng vĩ, những nhà thờ lộng lẫy, oai nghiêm, những khu lăng tẩm tráng lệ, những tượng thần tạc bằng đá, bằng đồng...tinh vi, sống động...
Vào thời xa xưa ấy, Ấn Độ cũng là đỉnh cao của toán học, của khoa chiêm tinh. Ấn Độ có nhiều nhà bác học mà thời đó người ta gọi là các nhà thông thái. 
Các nhà thông thái của thế giới cổ đại ấy đã sáng tạo một trò chơi gọi là ”Saturanga” tức là trò chơi chiến trận đối kháng có hai bên tham gia. Các quân tượng trưng cho một thế trận gồm đầy đủ chỉ huy và bốn binh chủng quân đội thời bấy giờ. Phía trước là một hàng quân tiến bước, tiếp đến là các chàng kỵ mã và các đội voi chiến (Ấn Độ có rất nhiều voi). Mé ngoài cùng là những chiếc xe di động. Chiễm chệ giữa hàng quân là đức Vua cùng với các cận thần.
Lúc đầu thế trận như vậy được bày trên đất, có cả “sông” và “núi” ngăn cách. Dần dà thế trận rộng lớn được thu nhỏ lại trên một bàn cờ được chia thành các ô và các quân được cách điệu hóa. Từ đó cờ dễ dàng đến với tất cả mọi người, chu du khắp thiên hạ. Các nhà thông thái hết sức thú vị với cách bày trận của mình vì họ cảm thấy chính họ là những thống lĩnh tối cao, chỉ huy toàn bộ ba quân, được dịp phô trương tài nghệ thao lược của mình. Quân của hai bên khôn khéo dàn trận, cố gắng chiếm những vị trí xung yếu, lấn dần trận địa đối phương rồi xáp chiến, khi tấn công mạnh mẽ, khi thoái lui chiến lược, lúc bất thần đánh thẳng vào đại bản doanh quân địch để bắt sống Vua đối phương, và cũng không ít khi bị bên đối phương "cao tay ấn" đánh cho tơi tả, chạy trốn không còn mảnh giáp, lại phải nhẫn nhục, kiên trì gom góp tàn quân, gan góc cố thủ, suy tính cơ mưu để phục hồi lực lượng, phục kích đối phương nhằm chuyển bại thành thắng. Mỗi nhà cầm quân vừa có tài thao lược vừa phải nắm bắt mọi ý đồ, mưu mẹo của đối thủ, phải "đi guốc trong bụng" địch thủ, phán đoán được chiến thuật chiến lược, điểm mạnh điểm yếu của đối phương. Những tình cảm rất tự nhiên của con người như vui buồn, yêu ghét, tức giận, khoan hòa... đều thể hiện qua cuộc cờ. Trái tim người chơi cờ cũng rung động theo những tình cảm đó, tạo nên niềm say mê không bao giờ dứt.
***
Truyền thuyết kể lại rằng sau khi phát minh ra bàn cờ, nhà phát minh được nhà Vua cho phép tự chọn phần thưởng cho mình. Ông bèn tâu lên: “Muôn tâu bệ hạ, bàn cờ của hạ thần có 64 ô vuông, xin bệ hạ cho đặt ở ô thứ nhất một hạt thóc, ô thứ hai gấp đôi ô thứ nhất tức là hai hạt và cứ như thế số thóc của ô sau gấp đôi ô trước”. Nhà vua thấy rằng những hạt thóc nhỏ bé được đặt vào chỉ có 64 ô cờ chắc chẳng đáng là bao bèn đồng ý ngay và giục quần thần đếm thóc thưởng cho ông. Sau một hồi tính toán, quần thần kinh hãi tâu cho vua biết số thóc ấy là con số : 18 446 744 073 709 551 615 hạt
Một con số lớn khủng khiếp mà nếu quy ra thóc thì toàn bộ số thóc có trong vương quốc cộng với toàn bộ số thóc của các nước lân bang cũng không đủ để thưởng cho nhà phát minh.

Như đã nói trên, quân cờ dần dần được cách điệu hóa và luật chơi cũng hình thành rõ ràng. Nói đúng ra thì luật lệ trò chơi ấy lúc bấy giờ còn đơn giản hơn nhiều so với bây giờ. Các nhà khảo cổ đã khai quật và tìm được những quân cờ nguyên dạng thời đó. Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ,văn học cũng đã tìm được những văn bia, bản chép tay, tuy ít ỏi song cũng khá đầy đủ để chứng minh được sự ra đời của trò chơi trí tuệ xuất hiện đầu tiên trên đất nước này.
Ví dụ trong quyển trường ca bằng thơ nhan đề ”Vaxavađata” của nhà thơ Xabar, viết bằng tiếng Phạn vào cuối thế kỷ thứ 6 đầu thế kỷ thứ 7, có một đoạn miêu tả , so sánh một cách dí dỏm :”Ôi, mùa mưa đóng vai trò như một ván cờ, mà quân cờ là những con ếch xanh, những con ếch vàng đang nhảy nhót trong khu vườn muôn màu hoa lá”. 


Cũng một bài thơ Ấn Độ khác vào cuối thế kỷ thứ 7, ca ngợi lòng yêu hòa bình và nhân từ của nhà vua Xrihasi trị vì thời bấy giờ. Lời thơ mô tả :”Đất nước của đấng anh minh không có sự hiềm khích ngoài sự tranh đua của những bầy ong, người ta không dẫm chân lên nhau ngoài những dòng thơ ca, các đội quân không đánh nhau, ngoài những đội quân trên bàn cờ”. 
Các đoàn thuyền trên biển cả, các đoàn lạc đà chở nặng hàng hóa đi về phía Tây. Những người chủ của những chuyến hàng đã học được khá nhiều điều hay và mới lạ ở những quốc gia mình đã đi qua, đem về kể và truyền lại cho đồng bào mình.Trong số những điều mới lạ ấy có cả trò chơi Saturanga kỳ thú.
Tương tự như thế, trò chơi Saturanga theo những con đường thương mại và Phật đạo, vượt qua bao núi cao vực thẳm sang phía Đông để đặt nền tảng cho cờ Tướng ở Trung Hoa và các nươc Đông Nam Á. 
Ở Trung Á, trò chơi ngoại nhập này mau chóng được mọi tầng lớp ưa chuộng. Không những các nhà quyền quí, lái buôn giàu sụ cho mình là ”nhà thông thái”, khoe tài ”đánh trận” mà cả vua chúa, quần thần, tướng lĩnh cho đến những người thợ thủ công chân đất trong giờ nhàn rỗi cũng đọ trí, thử tài với nhau. Do nhiều người chơi cho nên luật đặt ra cũng phải thống nhất. Luật chơi cờ được cải tiến dần, số quân mỗi bên được ấn định đúng với chức năng của nó. Ví dụ quân Xe được thay bằng quân Tháp. Bởi vì khi ấy ở Trung Á người ta không hiểu Xe để làm gì, mà bao giờ ở vành ngoài cùng, để bảo vệ một pháo đài hoặc một kinh đô, cũng là những bức tường thành được biểu hiện bằng những chiếc Tháp. (Trong cờ Vua người ta gọi là quân Xe vì nó nước đi giống như nước đi của quân Xe ở cờ Tướng, nhưng tên đúng của nó là Tháp, hoặc là Thành). Còn voi thì ở Trung Á không có nên họ thay quân Tượng bằng quân khác (ở ta gọi là quân Tượng chỉ vì nó có nước đi chéo giống như Tượng trong cờ Tướng) Cũng nói thêm là khi Saturanga sang đến Trung Hoa thì xuất hiện thêm một quân mới là quân Pháo, lúc đấu là loại "pháo" bắn bằng đá nên chữ Pháo có bộ "Thạch" nằm phía trước, sau này khi pháo dùng thuốc nổ thì người ta đổi bộ "thạch" thành bộ "hoả". Như vậy Saturanga đến những vùng đất mới nó lại có được những cải tiến thích ứng với quan niệm về thể chế và binh nghiệp tại nơi đó.
 Ở Trung Á người ta đã cải tiến một bước, cờ trở nên gọn nhẹ, linh hoạt và có được những luật chơi ban đầu; điều đó cũng giống như người ta tìm ra được công thức tính diện tích hình tròn. Ngày nay, mỗi học sinh phổ thông đều biết tính diện tích hình tròn bằng công thức đơn giản : S =pR2. trong đó R là bán kính hình tròn. Thủa xưa công thức tính diện tích hình tròn dài lê thê, mô tả đến mấy trang, chữ viết dày đặc, đọc vỡ đầu chưa chắc đã hiểu được, bởi vì thời đó người ta chưa có khái niệm về số p (số pi).

Từ lúc nào thì các qui ước về luật chơi cờ Vua được hình thành gần giống với luật cờ hiện đại ? Theo các nhà nghiên cứu về cờ thì đó là vào cuối thế kỷ 15,đầu thế kỷ 16. Ta cũng nên lưu ý rằng cờ cũng thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, cho nên nó cũng nẩy nở và phát triển trên mảnh đất nào thấm đượm tính nhân văn của một nền văn hóa phát triển cao. Một nhà sử học người Anh đã định nghĩa về cờ Vua như sau: “Đó là cuộc trò chuyện thân thiết không lời, là hoạt động khẩn trương và căng thẳng trong im lặng. Đó là thắng lợi huy hoàng và cũng là những tấn bi kịch. Là sự hy vọng và nản lòng. Đó là khúc trường ca và cũng là một khoa học. Đó là Phương Đông cổ xưa và Châu Âu hiện đại. Tất cả liên kết với nhau thành một thể thống nhất trên 64 ô vuông.”

Ngay từ thời bấy giờ người ta đã quan niệm trò chơi này như một công cụ của lòng nhân đạo và sự văn minh, bởi vì nó làm cho các hiệp sĩ xao lãng việc chém giết, đổ máu ngoài chiến trường.
Do đó, cũng dễ giải thích tại sao khi Italia và Tây Ban Nha được chiếu sáng bằng ánh sáng của nền văn hóa Phục hưng: những tượng đá hoa cương hùng vĩ của Mikenlang Gielo, những tranh tường kỳ diệu và lộng lẫy của Leona de Vinci, những bức họa huyền ảo kiệt xuất của Raphaen hay hình tượng muôn thuở của hiệp sĩ Đông Kisốt với những chiếc cối xay gió bước ra từ những trang sách của Xervantes, thì cờ Vua ở những nơi đó cũng đạt tới đỉnh cao về nghệ thuật. Chính tại châu Âu, những cải cách lớn về cờ đã xuất hiện. Lần đầu tiên trên bàn cờ xuất hiện hình tượng người phụ nữ, đó là quân Hoàng Hậu thay thế cho quân "cố vấn" ở bên cạnh Vua trước đó. Quân Hoàng Hậu được ban cho quyền hành rộng lớn nhờ các nước đi ngang dọc tung hoành trên khắp bàn cờ. Bởi vào thời phục hưng, mỹ thuật và lòng cao thượng ngự trị khắp nơi nên vai trò của các Quý cô, Quý bà rất được tôn vinh. Có những quy tắc cứng nhắc hạn chế sự sáng tạo trên bàn cờ cũng dần được gỡ bỏ mà điển hình nhất là nước nhập thành độc đáo: chỉ bằng một nước đi mà Vua có thể được đưa ngay vào vị trí an toàn còn Xe, một quân mạnh lập tức được đưa ra tham gia vào trận đánh.Các nhà cải cách lớn về cờ Vua ở các nước này thời bấy giờ là Luxen, Damiano, Rui Lopes. Các tên gọi “Ván cờ Italia”, “Ván cờ Tây Ban Nha” xuất hiện. Đó không phải đơn thuần là tên gọi của một ván cờ mà là những công trình nghiên cứu nghiêm túc đầu tiên về lý thuyết cờ, nhất là đối với lý thuyết ra quân, một vấn đề gây tranh cãi khá nhiều trong thời kỳ này. Họ đã đạt được những thành tựu đáng kể.


Tiện đây cũng nói thêm, cờ Vua có lịch sử ngót một nghìn năm trăm năm nên tên gọi các thế cờ cũng mang tính lịch sử. Ví dụ khai cuộc Reti, phòng thủ Aliokhin, phòng thủ Uphimsep, phòng thủ Philido, Hệ thống Trigôrin, trận Tarras, Gambit Xtaunton ... đó là những kiểu khai cục mang tên các nhà chơi cờ lỗi lạc qua các thời đại. Một số vùng có các trường phái cờ nổi bật một thời, các phương án khai cục cũng mang tên địa danh như: phòng thủ Ấn Độ cổ, ván cờ Italia, ván cờ Tây Ban Nha hệ thống Seveninghen (tên một thành phố ở Hà Lan), Gambit Buđapet (thủ đô Hungari), phòng thủ Slavơ (tên một dân tộc), phòng thủ Xixili (một hòn đảo của Italia), ngoài ra còn có ván cờ Hungari, ván cờ Anh, phòng thủ Pháp, ván cờ Nga, phòng thủ Hà Lan, phòng thủ Xcanđinavơ ... mang tên các quốc gia đã có những đóng góp xứng đáng cho sự phát triển môn thể thao này.
Lại có những phương án khai cục khác được gọi bằng chính tên quân cờ: phòng thủ hai Mã, Gambit cánh Hậu, Gambit cánh Vua, khai cuộc Tượng, khai cuộc ba Mã...)
Tuy nhiên,điểm thiếu sót của các nhà lý thuyết lúc bấy giờ là chưa kịp đề cập đến vị trí then chốt của khu trung tâm. Dù trong lý thuyết lúc đó có đề cập đến những nước đi đầu tiên tới khu trung tâm song mục đích chỉ là để mở đường cho Hoàng Hậu và Tượng nhanh chóng công phá vị trí Vua đối phương. Các nhà cải cách này chủ trương sử dụng những đợt tấn công như vũ bão, có thể thí bỏ hẳn một số quân yếu như Tốt chẳng hạn, để tiến công thẳng vào bắt Vua đối phương. Cách đánh dũng mãnh kiểu hiệp sĩ này thời bấy giờ rất được ưa chuộng, thịnh hành và tồn tại đến vài trăm năm. Cho mãi đến thế kỷ thứ 18, khi được phân tích kỹ càng để chỉ ra được những nhược điểm của nó, cách chơi này mới chấm dứt.
1.2. Các huyền thoại cờ vua thế giới
            1.2.1. Bobby Fischer
            Một thời từng được coi là anh hùng dân tộc và được một số người đánh giá là nhân tài cờ vua của mọi thời đại, chàng trai sinh ra ở Chicago này đã có những phản ứng rất khó hiểu với công chúng, bằng những cử chỉ giận dữ, sự hờn dỗi kéo dài hàng thập kỷ, và những ý kiến rất gay gắt.
            Ba năm sau giành danh hiệu vô địch cờ vua thế giới, Fisher đã trao nó cho nhà vô địch cờ vua Liên Xô Anatoly Karpov, khi từ chối thi đấu bảo vệ danh hiệu của mình.
            Chiến thắng của Fischer trước Spassky đã chấm dứt sự thống trị của hệ thống cờ vua dường như bất khả chiến bại của Liên Xô. Từ cuối những năm 1920 đến 1972, Liên Xô luôn nắm giữ danh hiệu vô địch thế giới, ngoại trừ hai năm.
            Phong cách chơi cờ của Fischer thường rất hiếu chiến. Không giống như nhiều kiện tướng khác, ông luôn luôn cố gắng giành chiến thắng trong mỗi ván cờ, thay vì một ván hòa, thậm chí là ngay cả khi ông chơi với quân đen, không có lợi thế đi trước như quân trắng.
            Fischer nổi tiếng với sự tính toán theo lôgic toán học, chứ không đơn thuần dựa vào trực giác.
Fischer trong mắt các đối thủ 
            Nhà vô địch cờ vua của Liên Xô Spassky từng bị Fisher đánh bại hiện đang sống ở Paris. Spassky có ít điều để nói về đối thủ một thời của mình. Khi được hỏi về cảm giác của ông trước tin Fischer qua đời, Spassky nói: “Thật không may cho ông ấy.”
            Còn nhà cựu vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov ca ngợi Fischer là nhà tiên phong của môn cờ vua: “Chúng ta đã mất một con người lớn”, Kasparov phát biểu tại Mátxcơva. “Ông ấy luôn luôn có một mình… nhưng khi một mình ông ấy đã chứng tỏ rằng con người có khả năng đạt được những tầm cao mới”. Ngoài ra Karpov còn gọi Fischer là “một ông lớn trong làng cờ, với một nhân cách đặc biệt”. Tuy nhiên Karpov cho rằng Fischer đã tránh thi đấu với ông: “Tôi không muốn nói là ông ấy sợ, nhưng ông ấy chắc hẳn đã có cảm giác là ông ấy sẽ thua”.

            Nhà vô địch cờ vua Viswanathan Anand gọi Fischer là một người lãng mạn: “Ông ấy đã đánh bại được cả một hệ thống”.
            Kiện tướng cờ vua Nga Mark Taimanov, người đã từng thua Fischer năm 1971 cho biết: “Cả cuộc đời ông ấy bị bàn cờ, cờ vua chi phối, và đó có thể là lý do vì sao ông ấy giỏi đến vậy”. Và Taimanov còn phát hiện ra: “Ông ấy qua đời ở tuổi 64, một con số có tính biểu tượng lớn. Bởi 64 cũng là con số tượng trưng cho bàn cờ”.
Sự nghiệp của Fischer
            Năm 13 tuổi Fischer đã trở thành nhà vô địch cờ vua Mỹ ở cấp thấp. Và năm 14 tuổi, Fischer bảo vệ thành công danh hiệu này. Năm 15 tuổi, Fischer trở thành kiện tướng quốc tế, trong cuộc thi đấu quốc tế đầu tiên của mình ở Yugoslavia. Fischer đã từng liên tục đánh bại 21 kiện tướng, điều mà chưa một người Mỹ nào làm được.
            Khi đã trở nên nổi tiếng, Fischer cũng trở nên khó đoán hơn. Anh đã bỏ dở cuộc chơi chỉ vì lý do đèn không được sáng, hay điều hòa không được tốt.
            Giữa những năm 1960, anh không tham gia hai cuộc xếp loại vô địch thế giới, bởi cho rằng ban tổ chức thiên vị người Nga. Năm 1957, khi nhà tổ chức không đáp ứng yêu cầu về điều kiện điều hòa tốt hơn của anh, Fischer đã giận dữ bỏ dở cuộc thi, và dành thời gian “để suy nghĩ”.
            Rồi Fischer mang tất cả sách vở về cờ vua của mình tới California. Tại đây anh cho biết đã “lên kế hoạch trả thù nếu tôi có quay trở lại”. Và khi luật chơi thay đổi vào năm 1972, Fischer vẫn chứng tỏ được rằng ông luôn luôn chơi tốt.
            Những sự kiện khiến nhà vô địch cờ vua người Mỹ dành những năm tháng cuối đời của mình ở thành phố mà ông đã có chiến thắng vào năm 1972 cũng rất kỳ lạ. Cho tới những năm 1990, được biết Fischer sống dưới những cái tên giả trong các khách sạn rẻ tiền ở Pasadena, ngoại ô của Los Angeles, dựa vào số tiền bán sách ít ỏi.
            Sau khi giành chiến thắng trong trận đấu ở Yugoslav, ông kiếm được 3 triệu USD. Ông đã đi khắp nơi trên thế giới, là nhân vật bị Mỹ truy nã. Sau vụ tấn công 11/9, ông đã “tái xuất” trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Philippine.
            Năm 2004, ông bị giam ở Nhật vì dùng hộ chiếu đã bị thu hồi. Trong thời gian 8 tháng trong tù, Mỹ đã tìm mọi cách để dẫn độ ông về nước nhưng không thành. Tháng 3/2005, Iceland đã đồng ý cho ông tị nạn.
            Một người bạn của Fischer cho biết tháng 10 năm ngoái ông đã được đưa tới bệnh viện. Nhưng vì không tin tưởng các bác sỹ, ông đã về nhà và được bạn bè chăm sóc cho đến khi qua đời.
            Einar Einarsson, người đã đấu tranh để đưa Fischer từ Nhật về Iceland cho biết Fischer thích sống ở Iceland, nhưng đôi lúc, ông vẫn cảm thấy tù túng vì không thể đi đâu được.
            Mặc dù từng được coi như vị “anh hùng” của Mỹ trong trận chiến cờ vua với Boris Spassky dưới thời chiến tranh lạnh năm 1972, nhưng ông lại sống những năm tháng cuối đời như một kẻ đào tẩu tại Iceland. , huyền thoại cờ vua đã qua đời vì đau ốm vào giữa ngày thứ năm 17-1-2008 tại Reykjavik, nơi đã diễn ra trận “quyết chiến” của ông với Boris Spassky 36 năm về trước.
            Một nhà bình luận đã từng nói rằng có một hằng số xuyên suốt cuộc đời Fischer, đó là “cuộc chiến chạy trốn đối với cuộc đua của nhân loại”.
            1.2.2. Mikhail Moiseyevich Botvinnik (tiếng Nga: Михаи́л Моисе́евич Ботви́нник) (17 tháng 8 năm 1911 - 5 tháng 5 năm 1995)
            Ông là một đại kiện tướng quốc tế cờ vua người Nga và là kì thủ duy nhất từng 3 lần vô địch thế giới. Ông sinh ở Kuokkala, gần Vyborg, con của một nha sĩ, được biết đến trong giới cờ vua năm 14 tuổi khi đánh bại nhà vô địch Thế giới người Cuba, José Raúl Capablanca, trong một trận đấu biểu diễn đồng thời (một mình đấu với nhiều kì thủ trên nhiều bàn) của Capablanca.
            Botvinnik là nhà kĩ sư chuyên ngành điện, ông học sau đại học tại Leningrad, và thậm chí lấy bằng tiến sĩ (vào khoảng cuối thập niên 1940). Tuy là kì thủ nghiệp dư nhưng ông tự mình đề ra và tuân thủ chế độ luyện tập môn thể thao trí tuệ này.
            Năm 1948, Khi Alekhine mất đột ngột, các kiện tướng hàng đầu thế giới tham gia một trận đấu để chọn ra nhà vô địch thế giới mới tại Moskva. Bovinnik đã thắng giải đấu này (+10=8–2), đứng trên Smyslov, Keres, Reshevsky và Euwe. để trở thành vua cờ thế giới. Ông giữ danh hiệu vô địch một thời gian gần như liên tục suốt 15 năm (1948 - 1963). Mặc dù có hai lần tạm thời mất danh hiệu này vào tay Smyslov (năm 1957) và Mikhail Tal (năm 1960) nhưng ông đều giành lại ngay các năm sau đó, trước khi bị Petrosyan đánh bại vào năm 1963.
            Botvinnik có khả năng đánh giá cục diện thế cờ, cần mẫn trong phân tích các ván đấu tạm hoãn, với kĩ thuật tàn cuộc xuất sắc; và đặc biệt, những thành công của ông đều từ sự chuẩn bị rất kĩ lưỡng. Botvinnik tự mình đặt ra các chế độ sinh hoạt và rèn luyện thể lực rất đều đặn trước những giải đấu lớn.
            Botvinnik là người đã đưa ra một số lý thuyết mới về cờ vua và các phương pháp huấn luyện cờ vua. Ông đã từng là thầy của Karpov và Kasparov.
Ngày 5-5-1995,Vua Cờ Botvinnik đã ra đi mãi mãi vào cõi vĩnh hằng,hướng thọ 84 tuổi.Ông để lại cho hậu thế cả 1 sự nghiệp lẫy lừng,và để lại cho nhân loại cả môn kho tri thức đồ sộ về Cờ Vua,môn thể thao trí tuệ mà ông luôn yêu thích và gắn cả cuộc đời mình với nó
            1.2.3. Emanuel Lasker 
            Lasker có dáng người tầm thước, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, thưởng có nụ cưới châm biếm trên môi. Trong con người ông kết hợp được một cách hài hoa đặc tính của một nhà khoa học thông minh, lanh lợi với phong cách tươi mát của một nghệ sĩ. Tính cách của ông hấp dẫn mọi người. Đã có nhiều sách viết về ông, song lại không phải viết về những công thức toán học hay tâm lý học mà là viết về sự nghiệp thứ hai của ông chói lọi hơn nhiều – Cờ Vua , sự nghiệp của cả một đời, mà nổi bật nhất là trong 27 năm liền giữ chức vô địch thế giới, điều mà các nhà vô địch từ cổ chí kim chưa ai làm nổi.


            Năm 1894, trận đấu tranh chức vô địch thế giới đầu tiên, Steinitz đã 56 tuổi . Với một phong cách đánh dứt khoát và sắc bén ở tuổi đang sung sức, Lasker đã hạ Steinitz với tỉ số 10-5 đoạt dễ dàng vòng hoa chiến thắng và trở thành nhà vô địch thứ hai thế giới của cờ Vua. Với một tài nghệ phi thường cùng với một sức khỏa dẻo dai, những năm sau đó, cứ mỗi năm lại một lần ông lại đem danh hiệu của mình ra, thách đố với đấu thủ cờ nào kiệt xuất nhất và liên tục giành thắng lợi như chẻ tre.
            Lasker có những quan niệm độc đáo về cờ. Có lần người ta hỏi Rubeinstein (một danh thủ lẫy lừng cùng thời với Lasker): “ Hôm nay ông chơi với ai?” ông trả lời : “Hôm nay tôi chơi quân Trắng chống quân Đen, còn chuyện chơi với ai chả có ý nghĩa gì hết!” . Ngược lại Lasker có một quan điểm khác: “Trong ván cờ, không phải các quân cờ chống chọi nhau, mà là những người đấu trí với nhau” . Trước mỗi trận đấu ông tìm hiểu kỹ càng đối thủ của mình. Ông tâm sự : “Ván cờ là một cuộc đấu có sự tham gia của nhiều yếu tố khác nhau nhất. Bởi vậy hiểu biết những mặt mạnh , mặt yếu của đối thủ là hết sức quan trọng… Biết bao điều bổ ích bạn có thể rút ra được khi họ nghiên cứu đối thủ và các ván cờ của họ”.
            Lasker không ưa cách học vẹt các thế biến khai cuộc . Ông nói: “Biêt cách chơi cờ không phải là công việc của trí nhớ đơn giản. Việc ghi nhớ các thế biến không phải là trọng yếu nhất. Trí nhớ là thứ vũ khí quý báu, không nên phung phí cho những điều vụn vặt. Phải nắm vững phương pháp chơi”.
            Các ván cờ của Lasker thiên biến vạn hóa, không theo một quy luật cứng nhắc nào. Ông đã viết nhiều sách bàn về giai đoạn cờ tàn. Ông đã để lại cho các bạn chơi cờ những lời khuyên chân thành: “Tôi muốn đào tạo các học trò biết cách phê phán các tài liệu. Trong môn cờ, tôi không muốn tặng cho họ các khái niệm trừu tượng hay những luận điểm chung mà là những kiến thức thật sự sinh động. Họ hãy thử thách mình bằng những trậu đấu” .
            Tên tuổi Lasker thật sự chói ngời. Nó gắn liền với cờ Vua trong hàng loạt tên gọi và các phương án khai cuộc, thậm chí cả đòn chiến thuật. Lasker là một tấm gương sáng cho biết bao kỳ thủ trẻ noi theo trên đường đi đến sự nghiệp vinh quang của họ .
            1.2.4. Alekhine - mãi là nhà vô địch
            Đã là trẻ con thì không thể không có đồ chơi. Cậu bé Alekhine cũng lôi các thứ đồ chơi rồi bày ra đủ trò. Song chơi mỗi trò chỉ được ít lâu là cậu thấy chán. Duy chỉ có bàn cờ với 64 ô đen trắng và 32 quân là làm cho cậu chơi mãi vẫn thấy thú vị. Quân đi thiên biến vạn hóa mới thấy hấp dẫn làm sao! Cậu ngồi hàng giờ suy nghĩ tìm ra nước cờ hay rồi tự mỉm cười hài lòng với chính mình. Ở cậu bé trầm tư này, đó có lẽ là trò chơi duy nhất mà cậu thấy thích hợp với mình. Tối đến khi mẹ về, cậu vẫn cứ ngồi lầm lũi ngồi bày các thế cờ để giải, làm bà mẹ cũng tò mò, không khỏi ngạc nhiên.
            Đến 15 tuổi thì Alekhine đã tham gia nhiều cuộc thi đấu quốc tế lớn. Chàng thiếu niên ngồi chơi đàng hoàng với các bậc đàn anh, thậm chí với các bậc chú bác của mình, gây nên sự chú ý to lớn. Đến năm 21 tuổi thì những đấu thủ sừng sỏ lần lượt công nhận tài năng rõ rệt của chàng trai người Nga này. Chàng chỉ còn đứng sau hai người khổng lồ là Lasker và Capablanca.


            Alekhine thường nói: “Đấu cờ , trước hết là đặc tính của con người. Mỗi địch thủ đếu có ý chí, có tính toán và mang đầy đủ các đặc tính cá nhân của họ. Chính cờ tạo ra tính cách của con người. Qua sai lần và thất bại, bạn sẽ trở thành một đại kiện tướng xứng đáng. Đối với tôi điều đó hoàn toàn đúng” .
            Đỉnh cao tài năng của Alekhin là trận đấu với Capablanca ở Buenos Aires ngày 16 tháng 9 năm 1927.
            Ngay từ ván đầu tiên, hai bên đã cho công chúng thấy rõ tài nghệ của mình. Capablanca chơi với lòng tự tin vào bản lĩnh của mình còn Alekhine đáp lại bằng quyết tâm chiến thắng cao độ. Chẳng mấy chốc thế trận mỗi lúc một thêm ngoạn mục. Bất thần bằng một nước đi được tính toán chính xác tuyệt đối, Alekhine bắt được một quân và từ đó lợi thế nghiêng về phía ông. Tận dụng lợi thế, bằng những nước tiếp theo không hề lầm lẫn, ông đã kết thúc thắng lợi mở màn ở nước đi thứ 44 .
            Với tài năng xuất chúng của minh, Capablanca đã cân bằng tỷ số 1-1. Alekhin đã đánh bại “huyền thoại về chơi cờ tàn” của Capablanca và nâng tỷ số lên 3-1. Tiếp sau đó là những ván hòa liên tục. Kết thúc ván thứ 68 thì tỷ số là 4-2 nghiêng về phía Alekhine. Ván 29 được các chuyên gia coi là ván lịch sử. Alekhine chỉ cần hòa là nắm chắc òng nguyệt quế . Nhưng thắng lợi ở ván thứ 29 của Capablanca không chỉ làm cho tỷ số 4-3 mà còn đặt Alêkhin vào một thử thách khó khăn về tâm lý.
            Trong ván cuối cùng, ván thứ 34 , đã bộc lộ tài năng tuyệt vời của Alekhine, ông đã chiến thắng khi cờ tàn còn Xe và Chốt. Ván cờ này nhiều năm sau và cho đến nay vẫn được đưa vào các sách giáo khoa làm một ví dụ mẫu mực về cờ tàn.
            Alekhine có một trí nhớ tuyệt vời, ông có thể nhớ không sai tất cả các ván cờ hay của các tay cờ cự phách trong vòng 60-70 năm. Là người chơi cờ “mù” rất giỏi (bịt mắt và tưởng tượng) , Alekhine có thể chơi cùng lúc 32 ván cờ với 32 người khác nhau và thắng tới 30 ván còn lại 2 ván hòa ! Ông kể lại rằng : “Hồi bé, tôi có thói xấu là hay chơi cờ trong giờ học. Một lần bị thầy giáo phát hiện, phạt và thu bàn c ờ, chúng tôi buộc phải đánh tiếp bằng tưởng tượng. Từ đấy , tôi thấy đánh “ mù” ít nguy hiểm hơn (!) và có lợi khi tính toàn trong thi đấu. Kể chuyện này tôi không có ý khuyên các bạn nên làm điều xấu. Song nếu thuộc bàn cờ thì rất có lợi”.

            Song cũng không nên cho rằng Alekhine không có sở thích gì ngoài đánh cờ. Ông là người biết thông thạo nhiều ngoại ngữ, đọc nhiều sách văn học, đồng thời lại là người sành âm nhạc và am hiểu hội họa. Ngoài cờ, ông ham thích bơi lội, chơi quần vợt và đua xe đạp.
            Đêm 25 tháng 3 năm 1946 ông mất đột ngột tại Paris. Cái chết bí hiểm của ông được giải thích do bệnh tim. Tấm ảnh cuối cùng còn chụp được khi ông chết cho thấy ông đang ngồi dựa trong chiếc ghế bành, bên cạnh là những quyển sách và phía trước ông, trong rất rõ là một bàn cờ có đủ 32 quân. Ông ngồi đó, mắt nhắm lại như đang suy nghĩ, có lẽ ông đang nghĩ về một thế cờ ở tàn cuộc hay một biến khai cuộc hoàn toàn mới? 
            Alekhine đã trở thành bất tử trong lịch sử cờ Vua. Ông là nhà vô địch duy nhất không bị hạ bệ. Khi vẫn còn đang khoác vòng nguyệt quế vinh quang, ông đã ra đi vĩnh viễn trong niềm thương tiếc của bao người. Alekhine, tên ông được gắn liền với nhiều ván cờ được coi là giáo khoa mẫu mực. Tên ông được lập đi lập lại trong biết bao thế cờ xuất sắc tuyệt diệu, có cả khai cuộc mang tên Alekhine. Các tài liệu cờ , các sách giào khoa đều nhắc đến ông.
            Alekhine là thần tượng của hàng triệu đấu thủ trẻ. “Huyền thoại Alekhine” vẫn mãi làm mọi người rung động và mến phục.
            Liên đoàn Cờ Việt Nam (tiền thân là hội Cờ Tướng Việt Nam) được thành lập ngày 14/02/1965 tại Nhà khai trí kiến thức (nay là Trung tâm phương pháp Câu lạc bộ – 14 Lê Thái – Tổ Hà Nội) do bác sĩ Lê Đình Thám là Chủ tịch Uỷ ban hoà bình Việt Nam, Uỷ viên Uỷ ban hoà bình thế giới làm Hội trưởng. Trong hoàn cảnh chiến tranh chống đế quốc Mỹ, Hội Cờ tướng Việt Nam đã tổ chức được 3 giải vô địch toàn miền Bắc và mời đoàn Cờ Tướng Trung Quốc sang thi đấu hữu nghị. Sau này, vì không đủ điều kiện nên chỉ tổ chức được những giải nhỏ ở Hà Nội. Năm 1975, Hội Cờ gần như không còn hoạt động, duy nhất chỉ còn ông Lê Uy Vệ, còn những người khác, người thì chuyển công tác, người thì nghỉ hưu nên đã giải thể. Tháng 8 năm 1976, Việt Nam nhận được thư mời tham dự cuộc thi đấu Cờ Vua tổ chức tại thành phố Tôvipôli (thủ đô Libi) do Liên đoàn Cờ của các nước Ả Rập tổ chức và Libi là nước đăng cai. Ở Việt Nam thời gian này, Cờ Vua chưa phát triển, chỉ có một số người chơi ở một vài thành phố. Với sự ghi nhận về tương lai phát triển môn Cờ Vua ở Việt Nam, Tổng cục TDTT đã cử một đoàn đến tham dự với tư cách là quan sát viên. Đại hội lần này có 44 nước tham gia với đủ các thành phần lứa tuổi nam, nữ, có VĐV nữ 13 – 14 tuổi, có vị là nghị sỹ quốc hội ở tuổi 60.
Năm 1978 Tổng cục TDTT đã ra chỉ thị số 73/CT để hướng dẫn phong trào Cờ Vua rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thanh thiếu niên, học sinh.
Ngày 05/08/1980 Bộ Giáo dục đã ra văn bản số 1787/TDQS về việc chính thức đưa Cờ Vua vào giảng dạy trong các trường phổ thông, các trường Cao đẳng, Đại học sư phạm và trường Đại học TDTT trên phạm vi toàn quốc.
Ngày 15/12/1980, Hội Cờ được thành lập lại, lấy tên là Hội Cờ Việt Nam do ông Hồ Trúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục làm Hội trưởng. Trước bối cảnh mới, Hội đã mạnh dạn đưa môn Cờ Vua vào Việt Nam và thực tế đã chứng minh cho quyết định sáng suốt đó: Cờ Vua Việt Nam bước đầu đã phát triển sâu, rộng ở mọi đối tượng trong xã hội.
Nước ta có nhiều môn thể đang được phát triển, giờ đây lại được bổ sung thêm một môn thể thao mới thì hoạt động TDTT càng thêm phong phú, đa dạng. Cờ Vua góp phần đáng kể vào các sinh hoạt văn hóa lành mạnh của quần chúng nhân dân và góp phần xây dựng con người mới Xã hội chủ nghĩa.
Tháng 10/1984, Hội Cờ Việt Nam chính thức là thành viên của Liên đoàn Cờ châu Á và năm 1988, Việt Nam được chính thức công nhận là thành viên của Liên đoàn Cờ Vua thế giới (FIDE). Cuối năm 1991, Hội Cờ tổ chức Đại hội toàn quốc lần II và đổi tên thành Liên đoàn Cờ Việt Nam do ông Nguyễn Hữu Thọ, Tổng biên tập báo Nhân Dân làm Chủ tịch. Cũng từ Đại hội này, môn Cờ Tướng được đưa vào thi đấu. Như vậy, quá trình tồn tại và phát triển của Liên đoàn Cờ Việt Nam đã có một bề dày thời gian và lịch sử hào hùng, tuy bước hội nhập của môn Cờ vào làng Cờ khu vực và thế giới còn ngắn ngủi (Cờ Vua năm 1988, Cờ Tướng năm 1993), nhưng Liên đoàn Cờ Việt Nam đã đóng góp cho làng Cờ khu vực và thế giới 18 Kiện tướng FIDE, Kiện tướng quốc tế, và 2 Đại kiện tướng…
Hiện tại, Liên đoàn mới đưa thêm môn Cờ Vây vào Việt Nam, và đã tổ chức được một lớp HLV cho các địa phương. Bộ môn mới mẻ này bước đầu đã có những tín hiệu đáng mừng, đặc biệt ở hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Với những bối cảnh như vậy, Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Liên đoàn Cờ Việt Nam đã được tổ chức vào ngày 28/09/1997 và ông Nguyễn Minh Hiển – Uỷ viên Trung ương Đảng – Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Cờ Việt Nam. Đại hội đã tổng kết và đề ra phương hướng hoạt động đổi mới nhằm đẩy mạnh sự phát triển môn Cờ Vua, Cờ Tướng nước ta trong giai đoạn mới.
Sau 5 năm phát triển (1990 – 1995), đã có 20 ngành, địa phương xây dựng được phong trào ở môn thể thao này. Khi đó, có một số địa phương đã đưa môn Cờ Vua vào chương trình hoạt động của các trường và tổ chức đào tạo VĐV Cờ Vua ở một số trường năng khiếu TDTT cơ sở. Từ đó, Hội Cờ Việt Nam (sau này là Liên đoàn Cờ Việt Nam), tổ chức đều đặn giải vô địch toàn quốc hàng năm cho thanh thiếu niên, học sinh và người lớn. Năm 1980, tại giải vô địch toàn quốc được tổ chức ở Hà Nội đã áp dụng luật thi đấu của FIDE và ở các tỉnh, thành đều có tổ chức thi đấu xếp hạng để tuyển chọn VĐV, đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức thi đấu cho nữ thanh niên. Những năm gần đây, phong trào Cờ Vua phát triển rất mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc. Nhiều nơi phong trào đã biểu hiện chiều sâu với hàng loạt trung tâm Cờ Vua được thành lập và tổ chức hoạt động như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Đồng Tháp…
Hàng năm, giải Cờ Vua cho các đối tượng được tổ chức rộng rãi. Đỉnh cao về qui mô phong trào là các giải Cờ Vua A1, A2, giải các đấu thủ mạnh, cũng như giải Cờ Vua cho học sinh, sinh viên được tổ chức định kỳ và đặc biệt giải Cờ Vua trong khuôn khổ Hội khỏe phù đổng II (1992), Hội khỏe phù đổng III (1996), mỗi giải đều có trên 500 VĐV nam nữ tham gia. Ngoài các giải trong nước, đội tuyển Cờ Vua quốc gia với các lứa tuổi đã được hình thành thông qua các giải toàn quốc. Các đội tuyển đó thường xuyên tham dự các giải thi đấu quốc tế và đã gặt hái được không ít những thành công: Đạt 4 huy chương vàng lứa tuổi từ 12 đến dưới 20 và được FIDE phong cấp Đại kiện tướng thế giới cho 2 VĐV, cùng với gần 20 VĐV khác đạt danh hiệu Kiện tướng thế giới, Kiện tướng FIDE. Gần đây nhất tại các giải vô địch Cờ Vua châu Á, giải trẻ thế giới, các VĐV Việt Nam một lần nữa lại chứng tỏ được khả năng và trình độ của mình trong môn thể thao này.





ĐĂNG KÝ TƯ VẤN ĐỂ HỌC THỬ MIỄN PHÍ


HỆ  THỐNG TRUNG TÂM CỜ QUỐC TẾ
----------------------------------------------------------------------------------------------------
*** TP. Hồ Chí Minh ***
Quận 3: 26 Đường Phạm Ngọc Thạch, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TP HCM
Quận 9: 111E Đường số 22, P. Phước Long B, Quận 9, TP HCM
- Quận Bình Thạnh: 36/25 Đường Nguyễn Gia Trí, P25, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
- Quận Thủ Đức: 73A Đường Hiệp Bình, P. Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TPHCM
- Quận Gò Vấp: 111 Nguyễn Thái Sơn, P.4, Q. Gò Vấp, TP HCM
*** Bình Dương ***
- Thuận An: B101 Phan Thanh Giản, P.Lái Thiêu, TP. Thuận An, T.BD
- Thủ Dầu Một: 01 Đường số 13, KDC Hiệp Thành 3, TP Thủ Đầu Một, T.BD
-------------------------------------------------------------
Email : coquocte@gmail.com
Điện thoại : 0989.731.783    -   Hotline : 090.264.1618

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618