Huấn luyện viên cờ “tiến-thoái” cùng cuộc sống | ||||||||
Nhưng đằng sau những vinh quang ấy là cuộc sống thầm lặng của những người thầy. Trút tất cả lòng đam mê, tâm huyết cho học trò để rồi sau đó khi trò bước lên bục vinh quang, thầy lại quay về với cuộc sống cơm áo, gạo tiền, lo toan thường nhật. | ||||||||
Tấm lòng của những người thầy
Tôi tìm đến nhà HLV Lê Hồng Đức trên đường Trần Quốc Toản vào một buổi chiều. Căn nhà tập thể nhỏ bé, giản dị. Khi tôi hỏi anh em Từ Hoàng Thông, Từ Hoàng Thái có thường xuyên liên lạc với thầy không, HLV Đức cười buồn: “Anh em tụi nó bây giờ bận rộn lắm nhưng thấy học trò mình thành đạt tôi rất vui”. HLV Lê Hồng Đức từng ở Liên Xô học môn vật lý nhưng chính những ngày tháng vất vả ấy ông đã tìm được niềm vui bên những ván cờ, quyết tâm học hỏi để về truyền đạt trên quê hương. Ông là người tham gia giải cờ đầu tiên của VN rồi làm HLV, phát hiện và đào tạo anh em Thông, Thái.Lúc ấy, gia đình ông gồm vợ chồng và 2 người con phải sống nhờ ở phòng cờ Trường Năng khiếu nghiệp vụ. Nhưng cuộc sống vất vả ấy không làm cho người thầy nản lòng, sáng sáng ông vẫn cọc cạch đạp xe xuống tận Thủ Đức dạy. Đến hôm nay, dù đã là HLV phó đội tuyển cờ quốc gia, được cấp một căn nhà nhỏ nhưng ông vẫn làm việc cật lực để rồi hơn 50 tuổi mái tóc đã bạc trắng. Năm 1992, ông bị bệnh suy nhược thần kinh ngoại biên vì lao lực, suy nghĩ nhiều, suýt nữa mất mạng. Bác sĩ khuyên ông nên nghỉ ngơi và từ bỏ công việc nhưng HLV Đức vẫn cố gắng bám trụ vì “cờ vua VN chỉ mới bắt đầu, cần mọi người chung tay”.
Khi đấu xong một ván cờ dù thắng hay thua Lê Quang Liêm cũng có người đứng bên ngoài lo lắng và chia sẻ. Người ấy chính là HLV Lâm Minh Châu, người đã theo Liêm trên từng cây số trong suốt 7 năm nay. Với đôi chân tật nguyền nhưng HLV Châu đã có mặt bên Liêm ở bất kỳ giải lớn nhỏ nào. Chính kỳ thủ này cũng tâm sự: “Sự có mặt của thầy giúp em tự tin rất nhiều”. Người đã đào tạo nên một Lê Quang Liêm vô địch châu Á, vô địch thế giới lại không theo học bất cứ trường đại học nào mà tự mày mò học hỏi. Nhưng đây cũng là điều bất lợi cho HLV Châu khi ông không được hưởng lương Nhà nước vì không bằng cấp (bị tật nên không theo Đại học TDTT được). Vất vả quá, đôi lúc HLV Châu cũng muốn tìm một việc làm ổn định nhưng không nỡ vì “Cờ đã là niềm đam mê, khi thấy trò thành công là động lực giúp tôi vượt qua tất cả”.Vất vả mưu sinh nhưng vẫn trọn lòng vì “nghiệp” Cờ vua đã khó khăn như vậy, cờ tướng còn nhiều ngang trái hơn khi không được thi đấu ở đại hội, SEA Games. Một năm chỉ lèo tèo vài ba giải quốc tế, còn giải trong nước cũng đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, đời sống của HLV cờ tướng vô cùng bấp bênh. HLV Hoàng Đình Hồng, người đã gắn bó hơn 20 năm với bộ môn này, tâm sự: “Khó khăn lắm nhưng tôi quyết tâm gìn giữ một bộ môn trí tuệ của dân tộc”. Chính vì thế HLV Hồng đã xoay sở đủ nghề để sống như viết sách, viết báo, hướng dẫn ở các kỳ đài... nhưng làm bất cứ nghề nào thì cũng liên quan đến cờ vì ông muốn cờ được mọi người yêu thương và giữ gìn như chính bản thân ông. HLV Hồng kể lại: “Kỳ đài cũng lúc thưa, lúc đông nhưng tôi vẫn dạy dù chỉ còn một người ngồi nghe”. Đời sống khó khăn nhưng người thầy này vẫn nhớ ngày sinh nhật của từng học trò, thưởng những món quà nho nhỏ khi trò đoạt giải. HLV Hồng còn tìm chỗ làm thêm cho học trò, tận tâm giúp đỡ từng em một với hi vọng “chúng có thể tiếp tục đến lớp học cờ”.
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét